Ngày 5/11,các cuộc giao tranh ác liệt tiếp tục nổ ra giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy tại nhiều khu vực của nước này, làm ít nhất 159 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Các cuộc xung đột đang ảnh hưởng lớn tới công tác cứu trợ nhân đạo tại quốc gia Trung Đông này.

cuu-tro-nhan-dao-syria-tron.jpg
Nhân viên Chữ thập Đỏ Syria phân phát lương thực cho người dân Syria đi lánh nạn (Ảnh: AFP)

Theo kênh truyền hình tiếng Arab Aljazera, giao tranh dữ dội xảy ra trong suốt ngày 5/11 và kéo dài tới sáng sớm nay (6/11) giữa các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria al-Assad và các tay súng nổi dậy tại hàng chục điểm nóng trên khắp đất nước này, nhất là khu vực thủ đô Damascus và các vùng phụ cận, thành phố Halab và Idlib. Trong đó, phe đối lập tuyên bố đã làm thiệt mạng 50 binh sỹ Chính phủ trong cuộc tấn công tại khu vực Hama. Tuy nhiên, thông tin này chưa được các nguồn tin chính thức nào xác thực.

Cũng vào hôm qua, tại Aleppo - thành phố chiến lược phía Bắc Syria, các tay súng nổi dậy xả súng vào đám đông những người biểu tình phản đối quân nổi dậy, làm ít nhất 6 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Vụ xả súng gây ra sự phẫn nộ mạnh mẽ trong dân chúng Aleppo - khu vực đã trải qua nhiều tháng giao tranh ác liệt giữa các binh sỹ Chính phủ và các tay súng chống đối. 

Bạo lực gia tăng và kéo dài những ngày qua làm cho công tác cứu trợ nhân đạo quốc tế tại quốc gia Trung Đông càng khó khăn hơn. Cơ quan điều phối nhân đạo khu vực của Liên Hợp Quốc về Syria khẳng định, các tổ chức nhân đạo đang trong tình trạng thiếu nguồn kinh phí trầm trọng.

Điều phối viên nhân đạo khu vực của Liên Hợp Quốc về Syria - ông Radhouane Nouicer cho biết: “Nguồn kinh phí hiện có cho kế hoạch cứu trợ ít hơn nhiều so với yêu cầu. Thật không may mắn là cộng đồng quốc tế đã dành nhiều sự quan tâm cho các vấn đề chính trị và quân sự, hơn là việc tài trợ cho các hoạt động nhân đạo. Chúng tôi mới chỉ có 157 triệu USD trong tổng số 347 triệu USD. Điều này có nghĩa là chúng tôi mới chỉ nhận được 45% trong tổng số kinh phí cần có”.

Về vấn đề này, Chính phủ Syria cho rằng, sự thiếu thốn nguồn cứu trợ nhân đạo cho cuộc khủng hoảng Syria là do một số quốc gia có khả năng viện trợ đã chính trị hóa công tác cứu trợ nhân đạo.

Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Miqdad khẳng định: “Một lần nữa tôi muốn chỉ rõ việc “chính trị hóa” hoạt động cứu trợ nhân đạo của một số quốc gia luôn tỏ ra quan tâm tới người Syria. Những nước này không chỉ thúc đẩy bạo lực tại Syria, vũ trang và tài trợ cho những kẻ khủng bố tại nước này, mà còn không đóng góp tiền cho các tổ chức Liên Hợp Quốc để thực hiện sứ mệnh của họ”.

Theo các thống kê mới nhất, chiến sự tại quốc gia Trung Đông này đã làm khoảng 2,5 triệu người Syria bị mất nhà cửa và phải đi lánh nạn. Cùng với sự đe dọa của bom đạn hàng ngày hàng giờ, cuộc sống của những nạn nhân của cuộc nội chiến này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tương lai của họ đang phụ thuộc nhiều vào thiện chí và quyết tâm thực sự của cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia lớn và có nhiều ảnh hưởng trên thế giới./.