Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Điện Kremlin đã thành lập một “lực lượng cảnh sát dự bị" sẵn sàng triển khai đến Belarus để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko duy trì an ninh khi tình trạng bất ổn ở đó vượt khỏi tầm kiểm soát. Động thái này ngay sau đó đã nhận được các phản ứng từ các nước láng giềng NATO trong đó có Ba Lan. 

Thủ tướng Ba Lan kêu gọi Nga ngay lập tức từ bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Belarus với lý do vi phạm luật pháp quốc tế và các vấn đề nhân quyền của người dân Belarus, những người được quyền tự do quyết định số phận của họ.

Ba Lan cũng triệu tập đại sứ Belarus tại nước này để phản đối những cáo buộc vô căn cứ sau khi truyền thông Belarus thông tin Tổng thống Lukashenko đã cáo buộc Warsaw âm mưu chiếm lấy một phần đất nước nếu cuộc khủng hoảng Belarus trở nên tồi tệ đi.

Belarus đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9 tháng 8, cuộc bầu cử mà phe đối lập và nhiều người biểu tình cáo buộc đã bị gian lận để kéo dài thời gian cầm quyền của ông Lukashenko.

Tình hình ngày càng trở nên căng thẳng khi lực lượng an ninh đã dùng vũ lực đối với những người biểu tình và bắt giữ hàng nghìn người nhằm dập tắt các cuộc biểu tình và đình công hàng loạt. Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko đã phủ nhận các cáo buộc này.

Belarus có mối quan hệ liên minh thân cận về các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa với Nga và có vai trò quan trọng đối với chiến lược quốc phòng của Nga đối với NATO.

Ngày 27/8, tại Berlin, các ngoại trưởng EU đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt có thể được thực hiện đối với một số các trường hợp được cho là tham gia vào gian lận bầu cử hoặc lạm dụng người biểu tình./.