Như đã đưa tin, ngày 7/12, Ủy ban Châu Âu đã quyết định đưa Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc ra Tòa án Công lý Châu Âu do từ chối tuân thủ nghĩa vụ pháp lý trong việc tiếp nhận người di cư. Ngay lập tức, những nước này tái khẳng định quan điểm phản đối cơ chế phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư của Liên minh Châu Âu và sẽ theo vụ kiện này đến cùng trước tòa.

du_cu_fcdh_tvaa.jpg
Dòng người di cư đổ vào châu Âu.
Ba Lan, nước chưa tiếp nhận bất cứ người di cư nào theo hạn ngạch được EU phân bổ, cho biết họ sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình tại tòa. Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Błaszczak nói rằng, an ninh quốc gia là điều quan trọng nhất và người dân Ba Lan mới là người quyết định ai sẽ đến sống cùng với họ chứ không phải bên ngoài. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Konrad Szymanski cũng cho rằng, không ai có thể thay thế Chính phủ Ba Lan đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn của người dân.

Chính phủ của Đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền tại Ba Lan hiện nay đã nhiều lần khẳng định họ sẽ không chấp nhận người di cư, bởi có nhiều mối lo ngại về an ninh xuất phát từ các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Tây Âu trong thời gian vừa qua mà những kẻ chủ mưu đều được cho là những phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người di cư vào Châu Âu.

Còn Hungary, nước luôn có chính sách cứng rắn đối với người nhập cư và cũng chưa tiếp nhận bất cứ ai theo cơ chế hạn ngạch, cũng đưa ra quan điểm tương tự. Bộ trưởng Ngoại giao Peter Szijjártó cho biết, Chính phủ Hungary phản đối cơ chế phân bổ hạn ngạch bắt buộc và sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh này tại Tòa án Công lý châu Âu vì lợi ích và an ninh của người dân.

Ông nhấn mạnh ngoài tính không thể thực thi, cơ chế hạn ngạch bắt buộc hoàn toàn trái với ý nghĩa thông thường của nó, bởi nhập cư là thẩm quyền của quốc gia và việc ép buộc một quốc gia chấp nhận người tị nạn không mong muốn là vi phạm chủ quyền quốc gia đó.

Ngoài ra Ngoại trưởng Szijjártó cũng cho rằng di cư bất hợp pháp đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với châu lục, và những gì đã diễn ra tại Châu Âu trong thời gian qua, trong đó có các cuộc tấn công khủng bố, đã chứng minh điều đó. Theo ông, Hungary đang tham gia tích cực vào những nỗ lực của Liên minh Châu Âu nhằm duy trì đảm bảo an ninh cho người dân.

Trong khi đó Quốc vụ khanh Ales Chmelar của Cộng hòa Séc tái khẳng định quan điểm của Chính phủ Séc rằng cơ chế phân bổ của EU không phải là một giải pháp khả thi, mà ngược lại nó là động lực khuyến khích làn sóng di dân bất hợp pháp vào Châu Âu. Thực tế cho thấy cơ chế hạn ngạch đã thất bại và các nước thành viên cũng không thành công trong việc thực thi cam kết của mình.

Ông Chmelar cho biết, Cộng hòa Séc ủng hộ quan điểm giải quyết vấn đề di cư vào châu Âu tại nơi xuất phát của nó, đồng thời cải cách chính sách tị nạn của châu lục như đã được thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào tháng 10 vừa qua. Ông cho rằng EU phải giải quyết được nguyên nhân sâu xa của làn sóng di cư thay vì tập trung vào giải quyết hậu quả của nó, cũng như hỗ trợ các nước thứ ba và các nước bị ảnh hưởng trực tiếp của làn sóng di cư. Ông khẳng định Cộng hòa Séc sẽ tiếp tục theo đuổi và bảo vệ quan điểm này.

Dù quyết định của Ủy ban Châu Âu đưa 3 nước ra Tòa án Công lý Châu Âu không gây ngạc nhiên do những nước này luôn phản đối cơ chế phân bổ hạn ngạch, nhưng nó cũng cho thấy bất đồng ngày càng sâu sắc trong khối và EU vẫn đang bế tắc trong việc tìm ra giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoàng người tị nạn tại Châu Âu.

Mọi người vẫn đang ngóng chờ một giải pháp khả thi có thể chấp nhận được với các bên sẽ được đưa ra khi các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại Brussels vào tuần tới và vấn đề di cư, trong đó có cải cách chính sách tị nạn Dublin, sẽ là một trọng tâm của hội nghị./.