Hôm nay, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết, dựa trên lời khuyên của các chuyên gia tiêm chủng của nước này, Australia quyết định bắt đầu từ đầu tuần tới sẽ tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch kém:
“Mũi vaccine tăng cường cho những người có hệ miễn dịch kém sẽ bắt đầu được cung cấp từ thứ 2 tới. Tuy nhiên, đến lúc này, mũi tăng cường chỉ dành cho những người có hệ miễn dịch kém với số lượng khoảng 500.000 người để tăng thêm sự bảo vệ cho đối tượng này. Giai đoạn tiếp theo, Nhóm tư vấn tiêm chủng sẽ xem xét về tiêm mũi vaccine tăng cường cho toàn dân và câu trả lời về vấn đề này sẽ được đưa ra vào trước cuối tháng 10”.
Quyết định của chính phủ Australia được đưa ra sau khi Nhóm tư vấn tiêm chủng của nước này khuyến cáo về sự cần thiết phải tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ 3 cho người có hệ miễn dịch kém. Cụ thể, những người có bệnh lý nền hoặc đang điều trị các liệu pháp ức chế miễn dịch như hóa trị, có thể sẽ không được bảo vệ đầy đủ chỉ với 2 liều vaccine. Vì vậy, những người này nên được tiêm mũi vaccine thứ 3, cách mũi vaccine thứ 2 từ hai đến sáu tháng. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc tiêm mũi vaccine thứ 3, những người có hệ miễn dịch kém tiếp tục cần thực hiện các biện pháp bảo vệ khác như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn ở nơi công cộng.
Vaccine của Pfizer và Moderna là hai loại vaccine được khuyến khích sử dụng cho những cần tiêm mũi thứ 3. Nhưng nếu trước đó đã tiêm 2 mũi vaccine AstraZeneca thì có thể tiếp tục tiêm mũi thứ 3 bằng loại vaccine này.
Quyết định tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người có hệ miễn dịch kém được Australia đưa trong bối cảnh, nước này đã tiêm được hơn 30 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19. Trong đó, 81,5% người từ 16 tuổi trở lên đã được tiêm 1 mũi vaccine và hơn 60% người đã tiêm đủ 2 mũi. Với tỷ lệ này, Australia không chỉ vượt qua Mỹ mà còn vượt qua cả Israel và Liên minh Châu Âu về tỷ lệ bao phủ 1 mũi vaccine cho người dân.
Tốc độ tiêm vaccine nhanh chóng đang làm cho Australia tiến gần tới việc loại bỏ lệnh phong tỏa trên diện rộng, mở cửa nền kinh tế và biên giới quốc tế để đưa cuộc sống của người dân bước vào giai đoạn bình thường mới. Trong đó, bang New South Wales của Australia, bang đông dân nhất và cũng là nơi dịch Covid-19 bùng phát từ giữa tháng 6 cho đến nay sẽ là bang đầu tiên nới lỏng các biện pháp kiểm dịch và mở cửa biên giới quốc tế từ thứ 2 tới./.