Tuyên bố chung được đưa ra ngày hôm nay giữa Phó Thủ tướng Australia cùng với Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng nhập cư của nước này cho biết, bắt đầu từ cuối tháng 9/2021, Australia sẽ chính thức mở thị thực nông nghiệp để tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc trong ngành nông nghiệp. Không chỉ hạn chế trong ngành trồng trọt, chương trình thị thực này còn mở rộng ra cả các lĩnh vực khác của ngành nông nghiệp như đánh bắt cá, lâm nghiệp và chế biến thịt.

Trong thời gian tới, chính phủ Australia sẽ thảo luận với các ngành để tìm hiểu về nhu cầu của từng lĩnh vực. Đồng thời, chính phủ Australia cũng sẽ đàm phán với với từng quốc gia về chương trình này. Trong khi các điều kiện cụ thể sẽ được dần xây dựng và củng cố trong 3 năm đầu tiên triển khai chương trình.

Trả lời phỏng vấn báo chí Australia hôm nay, Bộ trưởng Nông nghiệp David Litttle Proud cho biết, ngoài việc mở rộng các ngành có thể tiếp nhận lao động, thị thực nông nghiệp còn mở ra cơ hội để những người tham gia chương trình này có thể trở thành thường trú nhân tại Australia. Bộ trưởng David Little Proud cho biết, điều này có nghĩa là thế hệ những người nhập cư mới tới Australia sẽ tới làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển vùng nông thôn của nước này. Chương trình cũng thể hiện tầm nhìn lâu dài trong đó tính đến tương lai ổn định lực lượng lao động cho ngành nông nghiệp của nước này.

Theo Bộ trưởng David Little, đối tượng có thể tham gia chương trình này là những người lao động đến từ Anh và các quốc đảo Thái Bình Dương. Đồng thời, Bộ trưởng David Little Proud cũng khẳng định nước này đang cố gắng đẩy mạnh việc tiếp nhận người lao động đến từ các nước Philippines, Thái Lan và Việt Nam, là các quốc gia đang có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Australia trong lĩnh vực nhập cư.

Australia quyết định mở chương trình thị thực nông nghiệp khi ngành nông nghiệp của nước này đang thiếu lao động trầm trọng. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp David Little Proud, vào tháng 3/2022, riêng ngành trồng trọt của nước này có thể thiếu tới 30.000 lao động. Bên cạnh đó, các ngành chế biến thịt, sữa, cũng đang thiếu lao động trầm trọng. Trong đó riêng ngành chế biến thịt hiện chỉ hoạt động khoảng 60 đến 70% công suất vì không có đủ nhân lực.

Hiện tại, thách thức lớn nhất mà chương trình này phải đối mặt đó là việc cách ly y tế đối với những lao động nhập cư. Chính phủ Australia sẽ làm việc chặt chẽ với các bang và vùng lãnh thổ để có thể đáp ứng các quy định cần thiết trong lúc đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế của nước này./.