Sáng 26/7, dư luận Australia đã bị sốc khi hãng tin Fairfax, một trong những hãng tin lớn nhất và lâu đời nhất của Australia tuyên bố sáp nhập vào tổ hợp truyền thông giải trí Nine. Vụ sáp nhập tạo ra một tập đoàn truyền thông lớn nhất Australia song cũng làm mất đi cái tên Fairfax, một thương hiệu đã tồn tại 177 năm và được nhiều người Australia tin tưởng.
Vụ sáp nhập giữa Fairfax và Nine trở thành tin nóng được tất cả các hãng tin, tờ báo Australia đề cập trong ngày hôm nay. Ảnh: Tweeter Hannah Francis |
Vụ sáp nhập này sẽ tạo ra tập đoàn báo chí lớn nhất Australia với giá trị lên tới 4,2 tỷ đô la Australia. Tập đoàn báo chí mới sẽ bao gồm nhiều loại hình báo chí từ truyền hình, báo in, phát thanh, đến các sản phẩm số và trang quảng cáo bất động sản trực tuyến.
Chủ tịch Hội đồng quản trị của Nine Hugh Marks cho biết, việc sáp nhập “tạo ra tập đoàn truyền thông có thể tiếp cận 1 nửa dân số Australia mỗi ngày thông qua các kênh truyền hình, trực tuyến, báo in và phát thanh”. Theo ông Hugh Marks, việc sáp nhập sẽ “tăng cường sức mạnh, gia tăng chất lượng và tài sản của hai thương hiệu truyền thông nổi tiếng nhất Australia”.
Trong vụ sáp nhập này, tổ hợp Nine sẽ là bên chi phối khi chiếm giữ 51,1% cổ phần trong công ty mới. Vì vậy, tên của tập đoàn sau khi sáp nhập sẽ là Nine. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Nine sẽ tiếp tục đảm nhiệm các cương vị này trong tập đoàn mới. Trong khi đó, Fairfax sẽ có một nửa số ghế đại diện trong tổng số 6 ghế của ban điều hành.
Theo thỏa thuận sáp nhập, Nine sẽ kiểm soát các tờ báo có uy tín của Australia mà Fairfax từng sở hữu như The Sydney Morning Herald và The Age, quản lý 50% cổ phần của trang web Stan, 60% cổ phần vốn thuộc Fairfax trong trang web quảng cáo bất động sản Domain và các kênh phát thanh trong hệ thống Macquarie Media.
Vụ sáp nhập diễn ra 1 tuần sau khi Fairfax tuyên bố bắt tay hợp tác với News Corps, đối thủ cạnh tranh của Fairfax trong việc in ấn các báo giấy. Vì lẽ này, chuyên gia phân tích truyền thông Steve Allen của Fusion Strategy dự đoán, do báo in đã có thỏa thuận chia sẻ cơ sở in ấn với từ trước nên ông tin tưởng việc sáp nhập sẽ không dẫn tới việc ngừng xuất bản các báo giấy vốn có truyền thống lâu đời của Fairfax.
Hai đối thủ báo Australia bắt tay nhau để bảo vệ sự tồn tại của báo in
Nhận xét về vụ sáp nhập giữa Fairfax và Nine, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull khẳng định, vụ sáp nhập sẽ làm cho hai công ty này mạnh hơn trong bối cảnh “khó khăn và đầy cạnh tranh” của thị trường hiện nay.
Theo kế hoạch, quá trình sáp nhập diễn ra nhiều tháng và dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Tuy nhiên, để vụ sáp nhập này được diễn ra thì cả Fairfax và Nine đều phải nhận được sự đồng ý của các cổ đông cũng như được sự chấp nhận của Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) sau khi Ủy ban này xem vụ sáp nhập có ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trên thị trường hay không.
Sau khi thông tin về vụ sáp nhập được công bố, Hiệp hội Liên minh báo chí, giải trí và nghệ thuật (MEAA) đang đề nghị Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) phản đối vụ việc này. Chủ tịch MEAA Marcus Strom cho biết, vụ sáp nhập đã làm giảm tính đa dạng trong môi trường báo chí ở Australia. Trong lúc xã hội đang đòi hỏi về một nền báo chí độc lập và cần có sự tồn tại của báo chí chất lượng thì ACCC nên bác bỏ vụ sáp nhập này.
Cựu Thủ tướng Australia Paul Keating cũng bày tỏ sự không tin tưởng vào vụ sáp nhập khi gọi đây là “một diễn biến tồi” vì cho rằng, vụ việc “sẽ làm thay đổi bối cảnh báo chí của Australia”. Cựu Thủ tướng Paul Keating lo ngại cách tiếp cận thông tin của Nine sẽ làm ảnh hưởng đến các giá trị mà Fairfax đã gìn giữ trong suốt quá trình tồn tại của mình.
Không chỉ vậy, việc cái tên Fairfax với lịch sử 177 năm tồn tại ở Australia biến mất sau vụ sáp nhập này không chỉ làm người dân Australia sốc mà còn làm nhiều người nuối tiếc. Cameron Atfield, biên tập viên của tờ Thời báo Brisbane, thuộc sở hữu của Fairfax thốt lên rằng đây là “một nỗi buồn không thể tưởng tượng được khi mà cái tên Fairfax sẽ biến mất khỏi nền báo chí Australia”.
Còn Paul Syvret, một chuyên gia bình luận của tờ Courier Mail, một tờ báo thuộc đối thủ của Fairfax là News Corps cũng cho rằng đây là một “tin rất buồn”. “Chứng kiến tên Fairfax biến mất khỏi nền báo chí Australia chẳng khác nào cái chết của một gia đình”. Sở dĩ Paul Syvret nhận định như vậy vì Fairfax vốn là một tổ hợp truyền thông được gia đình Fairfax sáng lập vào năm 1841 và duy trì cho tới ngày hôm nay.
Trong một dòng tweet được đăng vào sáng nay, Gay Alcorn, một nhà báo của tờ Guardian Australia đã viết “Trong suốt hơn 150 năm tồn tại, cái tên Fairfax đã đại diện cho: sự công bằng, độc lập, sắc bén, các nhân viên đáng tự hào và lượng độc giả trung thành. Giờ đây, khi nó biến mất, không chỉ là sự mất đi của một cái tên đầy biểu tượng mà nó còn hơn thế nữa”./.