Nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23 vừa kết thúc tại thủ đô Manila, Philippines, Phóng viên VOV đã phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Kinh tế Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

19_11_pv_vladimir_mazyrin_lxvk.jpg
Tiến sỹ Vladimir Mazyrin (trái) trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.

Phóng viên: Thưa Tiến sỹ Vladimir Mazyrin, ông đánh giá thế nào về Diễn đàn APEC lần này với bối cảnh thế giới và khu vực không ít thách thức hiện nay?

Tiến sĩ Vladimir Mazyrin: Tôi thấy rằng, Diễn đàn APEC là rất cần thiết và quan trọng theo một số khía cạnh.

Thứ nhất, đây là nơi để các nhà lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương gặp nhau thảo luận những vấn đề quan trọng, trước hết là hợp tác kinh tế, tuy nhiên cũng đề cập đến vấn đề chính trị như khủng bố quốc tế đang trở nên cấp bách hiện nay.

Thứ hai, đối với Nga, Diễn đàn này cũng rất quan trọng, vì tại đây lãnh đạo Nga có thể gặp gỡ các lãnh đạo của thế giới để trao đổi ý kiến về một loạt các vấn đề cùng quan tâm trong bối cảnh Nga bị Mỹ và phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt hơn 1 năm nay.

Nga cũng rất quan tâm tới Diễn đàn vì từng là chủ nhà của APEC năm 2012 tại Vladivostok và hàng năm đều tham dự Diễn đàn, thậm chí đã thành lập Trung tâm nghiên cứu APEC tại Viện kinh tế quốc gia Liên bang Nga.

Thứ ba, kinh nghiệm và cách giải quyết các vấn đề kinh tế tại Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước thành viên khi các bên đang hướng tới liên minh kinh tế và khu vực thương mại tự do.

Phóng viên: Là một Diễn đàn kinh tế, nhưng diễn ra ngay sau những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Pháp, nội dung chống khủng bố cũng được đặt ra. Theo ông, các nước trong khu vực và trên thế giới cần có những hành động gì để trấn áp và chấm dứt hoàn toàn nạn khủng bố bạo lực?

Tiến si Vladimir Mazyrin: Tôi nghĩ rằng, hiện tại việc thống nhất sức mạnh và liên kết các nước là việc rất quan trọng và cần thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố. 

Điều quan trọng là phải tiêu diệt tận gốc bọn khủng bố ở những nơi mà chúng tồn tại, tập hợp lực lượng để đào tạo nhân sự, kiếm được những nguồn tiền bẩn và nhận các nguồn tài trợ. Đây là nhiệm vụ quan trọng số một của cộng đồng quốc tế.

Một vấn đề cũng quan trọng không kém đó là tình trạng đối đầu Đông-Tây đã bùng phát từ năm 2013 và tiếp tục phát triển trong những năm qua, điển hình là việc Mỹ và phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt với mục đích gây thiệt hại kinh tế Nga.

Tuy nhiên, thảm kịch vừa qua tại Pháp đã buộc Mỹ và phương Tây phải xem xét lại tình hình theo cách mới. Nếu như việc này làm giảm sự đối đầu Đông-Tây và cải thiện quan hệ quốc tế theo chiều hướng tốt lên, thì cả thế giới cũng có lợi.

Tôi ủng hộ hành động cương quyết của Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga chống lại IS và toàn thế giới nên thống nhất các nỗ lực dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc để chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Phóng viên: Trung Quốc tiếp tục các hành động để làm phức tạp tình hình tại Biển Đông, việc này đe dọa hoà bình, an ninh và ổn định tại khu vực và tự do hàng hàng tại Biển Đông. Theo ông, các nước có liên quan phải làm gì để ngăn chặn các hành vi sai trái của Trung Quốc? Tiến sĩ Vladimir Mazyrin: Hành động của cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN-tổ chức có quyền và trách nhiệm bảo vệ quyền lợi thành viên của mình - phải có trách nhiệm đứng ra giải quyết vấn đề này.

Cơ chế đầu tiên được thiết lập để bảo vệ quyền lợi các nước trong khu vực là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Tôi tin tưởng rằng, sớm hay muộn văn kiện này sẽ được các bên liên quan hiện thực hoá thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Một khi COC được thông qua và áp dụng, nó sẽ giải quyết được xung đột giữa các bên trên Biển Đông.

Ngoài ra, theo tôi điều quan trọng là các bên có xung đột tại Biển Đông cần tìm kiếm và áp dụng các hình thức hợp tác kinh tế. Nhờ các hình thức hợp tác kinh tế và lợi ích chung sẽ giúp giảm căng thẳng trên Biển Đông.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông./.