Theo báo Telegraph của Anh, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang chỉ trích những nỗ lực của Mỹ và Anh nhằm kiềm chế Israel tấn công Iran. Báo này dẫn lời của Thủ tướng Israel nói rằng không ai có quyền ngăn chặn đất nước mình hành động.Thủ tướng Israel phát ngôn những lời này sau chuyến viếng thăm bí mật của một quan chức người Anh giấu tên hồi tháng trước, mang theo cảnh báo từ Thủ tướng David Cameron phản đối việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
|
Thủ tướng Netanyahu: Mỹ không có quyền ngăn Israel (Ảnh: Telegraph) |
Tờ Telegraph dẫn lời ông Netanyahu mong muốn Mỹ đưa ra một “giới hạn đỏ” về nguy cơ với những tham vọng hạt nhân của Iran. Ông này lo ngại rằng Iran đang có những thành công với chương trình hạt nhân. Thủ tướng Netanyahu muốn thúc ép Washington áp đặt một thời hạn với các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc đối đầu với Iran.Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm thứ Hai (10/9) đã phát biểu công khai rằng nước Mỹ "không thiết lập thời hạn cho Iran". Hôm qua (11/9) Thủ tướng Netanyahu đã nói rằng trong trường hợp này, không ai có thể mong đợi Israel tiếp tục kiên nhẫn. “Thế giới bắt Israel chờ đợi, vì vẫn còn thời gian", ông Netanyahu nói: "Và tôi hỏi: chờ đợi điều gì? Đến khi nào? Cộng đồng quốc tế từ chối đưa ra giới hạn đỏ với Iran không có quyền bật đèn đỏ ngăn cản Israel". Theo bài báo đăng trên Telegraph, Thủ tướng Netanyahu cảnh báo, cách tiếp cận này sẽ chỉ khuyến khích Iran, "Nếu Iran biết rằng không có giới hạn đỏ, và cũng không có thời hạn chót, nước này sẽ làm gì? Chính xác là họ sẽ làm những gì đang làm hôm nay - tiếp tục hoạt động để có vũ khí hạt nhân, và tiếp theo là bom hạt nhân, mà không bị bất kỳ cản trở nào", ông nói. Lời lẽ của ông Thủ tướng làm tăng thêm những quan ngại rằng Israel có ý định tấn công đơn phương vào Iran. Một số nhà quan sát cho rằng lời lẽ đe doạ tấn công Iran của ông Netanyahu là “thùng rỗng kêu to”, bởi lẽ Israel không đủ tiềm lực quân sự. Theo phân tích của các nhà quan sát, mục đích thực sự của ông Netanyahu là nhằm đảm bảo rằng Mỹ và phương Tây tiếp tục tạo sức ép tối đa đối với Tehran, đặc biệt là áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Tuy nhiên, lời lẽ đe dọa của Israel đã nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Anh Cameron phải gửi một phái viên cao cấp đến Israel để chuyển thông điệp về mối quan tâm của mình. Các nguồn tin đã khẳng định rằng, phái viên cao cấp giấu tên này đã tiếp kiến Thủ tướng Israel Netanyahu khoảng 2 tuần trước đây. Một nhà ngoại giao Anh tại Jerusalem và Văn phòng Thủ tướng Israel từ chối đưa ra bình luận về thông tin này- Tờ Telegraph cho biết. Cách đề cập vấn đề một cách cứng rắn của Thủ tướng Netanyahu dường như khiến Washington không hài lòng. Báo chí Israel đêm qua (11/9) đăng tải thông tin rằng Tổng thống Barack Obama đã từ chối gặp mặt Thủ tướng Netanyahu trong thời gian diễn ra kỳ họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng này. Một quan chức giấu tên của Israel tiết lộ, Nhà Trắng nói rằng Thủ tướng Israel không được nêu trong lịch trình của Tổng thống. Tommy Vietor, phát ngôn viên của Tổng thống Obama bác bỏ thông tin này, nói rằng Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu không gặp gỡ bởi vì họ sẽ không ở New York cùng một thời gian.Tuy nhiên, ông đã không nói gì đến việc ông Netanyahu đã từng chuẩn bị đến Washington để gặp gỡ tại Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo đã có một mối quan hệ không mấy tốt đẹp. Thủ tướng Netanyahu đã từng thuyết trình tại Phòng Bầu dục (của Tổng thống Mỹ-ND) về vai trò quan trọng của Mỹ trong việc hỗ trợ Israel. Các quan chức của Obama cũng từng bày tỏ sự thất vọng về việc Thủ tướng Netanyahu liên tục gây áp lực đối với Mỹ để “ép” nước này chấp thuận một giải pháp mạnh đối với Tehran.Mỹ vẫn tin tưởng ngoại giao là một giải pháp trước khi Iran đạt được khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng, cần có thời gian là một năm có lẻ. Ông nói: "Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có cơ hội, một khi chúng ta biết quyết định của họ, chúng ta sẽ hành động ngay để ngăn chặn (Iran)". Ông Panetta nói: "Chúng tôi có các lực lượng tại chỗ không phải chỉ để tự vệ, mà còn để làm những gì chúng ta phải làm, để ngăn chặn họ phát triển vũ khí hạt nhân"./.