Quyết định trên được đưa ra sau phiên họp giữa 3 Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức được tổ chức tại hạt Kent ở Vương quốc Anh trong ngày 10/09. Theo lập luận được 3 nước châu Âu đưa ra, việc Mỹ muốn tái áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran là không hợp lý do vào năm 2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân P5+1 được ký giữa Iran với các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc.
Việc 3 nước châu Âu tiếp tục duy trì quan điểm này bất chấp sức ép từ phía Mỹ có thể xem là một thất bại đối với chính quyền của ông Donald Trump bởi vào tháng trước, 3 nước Anh-Pháp-Đức cũng đã phản đối ý định này của Mỹ tại Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc.
Ý định của Mỹ về việc tái trừng phạt Iran (còn được gọi là điều khoản snapback) được Mỹ lập luận là do Iran đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân khi đã có hành động làm giàu uranium quá mức độ cho phép trong năm 2019. Tuy nhiên, phía Iran luôn bác bỏ cáo buộc này vì cho rằng chính các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã không tuân thủ thỏa thuận được ký kết, trong đó có việc gỡ bỏ dần các lệnh cấm vận nhằm vào Iran.
Hồ sơ hạt nhân Iran dự kiến sẽ tiếp tục là chủ đề nóng vào tháng 10 tới khi diễn ra các phiên họp tại Liên hiệp quốc. Tháng 10 cũng là thời điểm mà theo dự kiến ban đầu được nêu trong thỏa thuận P5+1 ký năm 2015, các lệnh cấm vận vũ khí với Iran sẽ được tự động gỡ bỏ. Tuy nhiên, Mỹ cũng đang gây sức ép với các đồng minh nhằm gia hạn lệnh cấm này, trong khi các nước như Nga hay Đức được cho là sẽ dùng phiếu phủ quyết để ngăn ý định này của Mỹ./.