Ngày 16/3, 3 nước Anh, Pháp, Đức cùng ra một tuyên bố chung, đề xuất Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh trừng phạt mới với Iran do chương trình tên lửa nước này, cũng như vai trò của Iran trong chiến tranh Syria. Đáng chú ý, mục đích của bước trừng phạt này lại là nhằm thuyết phục Mỹ giữ lại thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran năm 2015.

thoa_thuan_hat_nhan_ogjh.jpg
Thoả thuận hạt nhân Iran được ký giữa nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức) với Iran năm 2015. Ảnh: YouTube

Theo hãng tin Reuters của Anh, với cáo buộc Iran cung cấp tên lửa và chuyển giao công nghệ tên lửa cho Syria và các đồng minh của Iran như nhóm nổi dậy Houthi ở Yemen và nhóm Hezbollah ở Lebanon, 3 nước Anh, Pháp, Đức đã đề xuất trừng phạt cấm đi lại và phong tỏa tài sản, cấm làm ăn và giao dịch với EU. Bản đề xuất đã được gửi tới thủ đô của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào ngày hôm qua để thăm dò sự ủng hộ đối với các biện pháp trừng phạt kiểu như vậy.

Đề xuất này được xem là một phần trong chiến lược của EU nhằm cứu thoả thuận hạt nhân Iran được ký giữa các bên vào năm 2015 bằng cách cho Tổng thống Mỹ Donald Trump thấy vẫn có cách kiềm chế sức mạnh của Iran. Tổng thống Donald Trump trước nay luôn giữ quan điểm phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran không hiệu quả trong việc kiềm chế Iran.

Về phía Mỹ,  Đặc phái viên về vấn đề đối thoại với các nước tham gia kí thỏa thuận hạt nhân Iran Brian Hook cho biết, nước này và 3 đồng minh châu Âu đã có các cuộc thảo luận "vô cùng thuận lợi" về yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan tới việc sửa đổi và bổ sung một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc.  Theo ông Brian Hook, các quan chức các nước kí thỏa thuận hạt nhân với Iran hôm qua đã có cuộc họp hàng quý tại Viên ( Áo) và phái đoàn của Mỹ  cũng có cuộc gặp với quan chức từ Pháp, Đức, Anh.

Phát biểu sau cuộc gặp, Đặc phái viên Mỹ Brian Hook nhấn mạnh: “Đây là cuộc họp thứ 3 mà chúng tôi có với nhóm Pháp, Anh Đức và các bên đã có các cuộc thảo luận tích cực. Có nhiều điều chúng tôi đồng ý và không đồng ý. Các bên sẽ tiếp tục hợp tác để giải quyết các bất đồng”.

Sau khi có thông tin này, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Aqrachi cho rằng, châu Âu không nên theo hướng đi của Mỹ về thỏa thuận hạt nhân. Theo ông Aqrachi, nếu các nước châu Âu ban hành trừng phạt Iran không liên quan vấn đề hạt nhân nhằm xoa dịu tổng thống Mỹ thì họ đã tính toán sai nghiêm trọng và sẽ chứng kiến ảnh hưởng của việc này đến thỏa thuận cũng như quá trình thực hiện thỏa thuận. Các nước châu Âu nên thúc Mỹ thực hiện nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo nước này sẽ có hành động đáp trả nếu Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA). Ông nhấn mạnh, Kế hoạch Hành động toàn diện chung đảm bảo quyền lợi của Iran trong việc nghiên cứu và phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình và Iran sẵn sàng tiến hành các biện pháp đáp trả nếu Mỹ phạm sai lầm rút khỏi thỏa thuận này.

Kế hoạch Hành động toàn diện chung được Iran ký kết với nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015. Theo thỏa thuận này, Iran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Tuy nhiên, vào năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

Tháng 1/2018, ông Donald Trump ra thời hạn 120 ngày để các nghị sĩ Mỹ và các đồng minh châu Âu tìm cách "sửa đổi" nội dung nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận. Ông lo ngại rằng một phần của Kế hoạch Hành động toàn diện chung sẽ hết hiệu lực vào năm 2026 mà không thể giải quyết chương trình tên lửa của Iran cũng như việc Iran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Ngày 12/5 tới là thời hạn ông Donald Trump phải ban hành một lệnh “tạm ngưng” trừng phạt Iran mới, nếu ông từ chối, trừng phạt của Mỹ với Iran sẽ được khôi phục và xem như Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận. Nếu Mỹ rút khỏi, thỏa thuận sẽ sụp đổ khi Iran cũng từ chối đàm phán lại theo yêu cầu của Mỹ./.