Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cùng ngày cũng có chuyến thăm Iran và khẳng định sự ấm dần lên trong quan hệ giữa hai nước.

Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Anh tới Iran kể từ năm 2003 và tiếp tục xu thế cải thiện trong quan hệ giữa Iran với châu Âu sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được ngày 14/7, với một loạt chuyến thăm của các nhà ngoại giao châu Âu thời gian gần đây.

anh_mgrx.jpg
Đoàn xe của Ngoại trưởng Hammond tiến vào Đại sứ quán Anh tại Iran. Ảnh AFP

Văn kiện đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) sau hơn 2 năm đàm phán yêu cầu Iran kiềm chế các chương trình hạt nhân nhạy cảm nhất để đổi lại nhận được sự nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt với nước này từ năm 2006.

Việc mở cửa trở lại Đại sứ quán Anh tại Tehran được đánh dấu bằng một buổi lễ với sự có mặt của Ngoại trưởng Anh Hammond, Đại biện lâm thời không thường trú của Anh tại Iran từ năm 2013, ông Ajay Sharma và các đại diện Ngoại giao giao Iran.

Cũng trong ngày 23/8, Đại sứ quán Iran cũng được mở cửa trở lại tại thủ đô London, Anh. Đây là một sự kiện được người dân Iran mong đợi, bởi nó mở ra cơ hội hợp tác  giữa Iran với một trong những kinh tế phương Tây phát triển nhất sau nhiều năm chịu lệnh cấm vận quốc tế.

Đại sứ quán Anh tại Iran bị đóng cửa từ tháng 11/2011 sau các cuộc tấn công bạo lực vào bên trong tòa đại sứ nhằm phản đối việc phương Tây gia tăng các lệnh trừng phạt chống Iran do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Cùng thời điểm, Chính phủ Iran cũng quyết định đóng cửa đại sứ quán tại thủ đô London. Theo Ngoại trưởng Hammond, việc mở cửa trở lại các Đại sứ quán là một bước quan trọng trong cải thiện các mối quan hệ song phương. Song ông này cũng nhấn mạnh, sự kiện này cũng không đồng nghĩa với việc Anh và Iran thống nhất trong mọi vấn đề, đồng thời bày tỏ mong muốn, hai nước sẽ sớm bổ nhiệm Đại sứ tại mỗi nước.

Cũng giống như các nhà ngoại giao Mỹ và phương Tây khác khi tới Iran, ông Hammond cũng khẳng định, thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được là một  thành công, sẽ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư một khi các lệnh trừng phạt với Iran được dỡ bỏ.

Theo ông Hammond, Anh và Iran cũng phải sẵn sàng thảo luận về những thách thức mà 2 nước sẽ gặp phải, trong đó có chủ nghĩa khủng bố, sự ổn định khu vực, sự nổi lên của IS, cuộc chiến chống buôn lậu ma túy và nhập cư.

Sau khi ông Hassan Rowhani, một nhân vật theo đường lối ôn hòa lên nắm quyền tại Iran hồi giữa năm 2013 và các cuộc đàm phán về hạt nhân được nối lại cũng vào năm này, quan hệ giữa Iran và Anh cũng bắt đầu ấm dần lên.

Tháng 2/2014, 2 nước đã quyết định bình thường hóa quan hệ, được đánh dấu bằng buổi lễ thượng cờ tại cơ quan đại diện ngoại giao tại mỗi nước và chính phủ Anh khi đó cũng tuyên bố mọi yếu tố cần thiết cho việc mở cửa lại Đại sứ quán đã hội đủ.

Chuyến thăm Iran của ông Hammond diễn ra tiếp sau chuyến thăm tới nước này của  Ngoại trưởng Pháp Fabius hồi tháng 7 vừa qua, sau đó là của Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini.

Vốn lâu nay vẫn rất hạn chế các mối quan hệ thương mại và kinh tế với Iran do các lệnh trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này, các nước phương Tây hi vọng, sau thỏa thuận hôm 14/7 có thể nhanh chóng khôi phục các mối quan hệ với Iran để có thể có mặt tại thị trường gần 80 triệu dân này.

Chính quyền Iran cũng đang thúc đẩy tiến trình bình thường hóa với phương Tây nhằm thu hút hơn nữa đầu tư quốc tế, đáp ứng những nhu cầu  trong nước sau nhiều năm chịu lệnh cấm vận./.