Hôm 8/12, một trong những nhân vật cấp cao của Phong trào Anh em Hồi giáo, ông Mohamed Badei kêu gọi tất cả các lực lượng đối lập ở Ai Cập chấp thuận yêu cầu đàm phán của Tổng thống Mursi, đồng thời coi đối thoại là biện pháp duy nhất nhằm đạt được một thỏa thuận vì lợi ích quốc gia và của nhân dân Ai Cập.

Phát biểu trong buổi họp báo tại trụ sở của Anh em Hồi giáo ở Cairo, ông Badei lên án những vụ tấn công bạo lực vừa qua, kêu gọi các bên tích cực hợp tác thay vì tiếp tục tranh cãi. Phong trào Anh em Hồi giáo sẽ ủng hộ bất cứ thỏa thuận nào đạt được giữa các phe phái chính trị. 

lanh%20dao%20quan%20doi%20ai%20cap2.jpg
Tổng thống Mursi ngồi giữa các lãnh đạo quân đội Ai Cập (ảnh: latimes)

Ông Mohamed Badei nhấn mạnh: “Đối thoại là cách duy nhất để giải quyết mọi bất đồng với phe đối lập. Tuy nhiên những gì đang diễn ra ở Ai cập chưa hẳn là một sự phản đối hay bất đồng ý kiến mà bao gồm trong đó còn là những hành vi tham nhũng và phạm tội. Chúng tôi yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ  một sự biện minh và giải thích chính xác về những gì đang diễn ra. Chúng tôi muốn biết sự thật bởi vì, để tránh những điều xấu cho đất nước là trách nhiệm của những người lãnh đạo trong đó có Tổ chức anh em Hồi giáo chúng tôi” .

‘Đường hầm tăm tối’

Cùng ngày, Quân đội Ai Cập ra tuyên bố kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị đối lập giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng trầm trọng tại nước này trong thời gian qua, có thể dẫn đất nước vào "đường hầm tăm tối". Đây là động thái đầu tiên của quân đội Ai Cập kể từ khi bùng phát làn sóng biểu tình phản đối Tuyên bố Hiến pháp của Tổng thống Mohamed Mursi trong hai tuần qua. Tuyên bố cho rằng, giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị đang lan rộng tại quốc gia Arập này phải phù hợp với "hiến pháp và các quy định về dân chủ". Văn bản này nhấn mạnh, quân đội sẽ không can thiệp vào tình hình chính trị trong nước, đồng thời khẳng định vai trò của quân đội là bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo đảm sự tồn tại của thể chế nhà nước. 

Ai Cập lún sâu vào khủng hoảng sau khi Tổng thống Mursi ra sắc lệnh Tuyên bố Hiến pháp gây nhiều tranh cãi cũng như lên kế hoạch trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp với hàng loạt cuộc biểu tình phản đối./.