Thông tin này được hãng Sputnik cho biết, phát biểu trong lễ tiếp nhận Giám đốc Hội đồng Quốc phòng và an ninh Ukraine (NSDC) Oleksandr Turchynov cho biết, Ukraine đã tiếp nhận 20 chiếc xe AT-105 từ Anh, trong khi 55 chiếc còn lại dự kiến sẽ sớm được bàn giao nốt cho NSDC.
“Chúng tôi sẽ trang bị cho số xe này vũ khí chiến đấu để đảm bảo hỏa lực hiệu quả cho lực lượng vệ binh quốc gia và các đơn vị khác”, ông Turchynov nói.
Theo Tạp chí Armyrecognition, chính phủ Ukraine đã ký hợp đồng mua 75 xe bọc thép AT105 4x4 đã qua sử dụng, nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng tại chiến trường miền Đông Ukraine, số xe này trị giá khoảng 2,85 triệu USD.
Nguyên mẫu đầu tiên của AT-105 được giới thiệu vào năm 1975 và được đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 1976. Giữa năm 1982, AT105 được đặt tên lại là AT105 Saxon. Đầu năm 1983, Bộ Quốc phòng Anh đã đặt mua 47 chiếc Saxon APC và việc chuyển giao được hoàn thành vào năm 1984.
Tiếp theo sau đó Quân đội Anh đã đặt mua thêm 200 chiếc nữa, và nâng tổng số AT105 Saxon trong biên chế của mình lên 247 chiếc. Đến đầu năm 1989, Quân đội Anh đã tiếp nhận tổng cộng 524 chiếc AT-105 Saxon với nhiều biến thể khác nhau. Ngoài Quân đội Anh, AT105 còn được trang bị trong quân đội các nước khác như: Bahrain, Malaysia, Nigeria và Oman.
Xe bọc thép hạng nhẹ AT-105 Saxon được trang bị vỏ thép mỏng và chỉ có thể chống lại các loại vũ khí bộ binh hạng nhẹ hay đạn xuyên giáp 7.62mm. Bên cạnh đó nó còn thể chịu được các mảnh đạn của pháo 155mm nổ gần ở khoảng cách 10m, sàn xe của AT105 được thiết kế với hình chữ V để có thể chống lại các loại mìn bộ binh và thiết bị nổ tự tạo cỡ nhỏ.
AT105 Saxon có thể chở theo 10 binh sĩ bao gồm cả kíp lái, nó còn được trang bị một tháp pháo nhỏ với vũ khí chính là một súng máy 7,62mm.
Theo Armyrecognition, việc Kiev mua xe bọc thép AT-105 Saxon để trang bị cho lực lượng vũ trang chính phủ đang chiến đấu tại miền Đông không mang tính khả thi bởi các tay súng ly khai đang sở hữu loạt vũ khí cực lợi hại trong việc tiêu diệt lực lượng tăng thiết giáp.
Đầu tiên là pháo phản lực nhưng Tonardo-G, dù là pháo phản lực nhưng Tonardo-G lại trở thành cơn ác mộng với lực lượng tăng thiết giáp của quân chính phủ tại miền Đông.
Ngoài Tornado-G, pháo phản lực BM-21 Grad cũng đang thực sự là cơn ác mộng đối với quân đội chính phủ Ukraine bởi sức mạnh của nó.
BM-21 Grad có khả năng bắn nhiều loại đạn: đạn nổ phân mảnh, đạn chống tăng, đạn khói, đạn chống tăng chứa đạn con.
Ngoài 2 loại pháo phản lực kể trên, hiện lực lượng ly khai còn đang sử dụng nhiều loại vũ khí chống tăng cực kỳ hiệu quả: Súng bắn tỉa chống tăng PTRS-41, PRRD cùng những 'người họ hàng' RPG-22 và RPG-26.
Hiện nay, hỏa lực diệt tăng tầm xa của quân ly khai được ghi nhận là có các tổ hợp tên lửa chống tăng 9K111 (NATO định danh là AT-4, tầm bắn 70-2.500m), 9K114 (NATO gọi là AT-6) và 9K115 (NATO gọi là AT-7, tầm bắn 40-1.000m)./.