Anh và Argentina lại tiếp tục những tranh cãi dai dẳng về chủ quyền quần đảo Falkland/Malvinas Islands tại Liên Hợp Quốc. Trong khi, Argentina muốn đối thoại trực tiếp, thì Anh kiên quyết cho rằng, cư dân quần đảo Falkland cũng cần tham gia giải quyết vấn đề quan trọng đó.

ngoai-truong-argentina.jpg
Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman (Ảnh: Press TV)

Đại diện các bên liên quan trong việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Falkland/Malvinas ngày 20/6 đã tới dự cuộc họp hàng năm của Ủy ban Phi thực dân hóa thuộc Liên Hợp Quốc về quần đảo, tại New York (Mỹ). Ủy ban Phi thực dân hóa thuộc Liên Hợp Quốc tiếp tục thông qua nghị quyết kêu gọi Anh và Argentina giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền. Song, nghị quyết này là không đủ để xoa dịu những bất đồng giữa 2 nước, đặc biệt về quyền lợi khai thác dầu khí khổng lồ ngoài khơi quần đảo này.

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Mark Lyall Grant cho rằng: “Một lần nữa, tôi thực sự lấy làm tiếc về Nghị quyết của Ủy ban Phi thực dân hóa Liên Hợp Quốc. Nghị quyết này đã thất bại trong việc thừa nhận nguyện vọng của người dân quần đảo Falkland và quyền tự quyết định của họ. Hướng giải quyết của Liên Hợp Quốc đã lỗi thời và không kết nối với người dân Falkland”.

Đại sứ Anh Lyall Grant khẳng định, Anh sẵn sàng đối thoại với Argentina để giải quyết tranh chấp, song đối thoại sẽ chỉ được tiến hành với sự tham gia của người dân Falkland.

Tháng 3 vừa qua, Anh đã tiến hành cuộc trưng cầu ý dân tại Falkland/Malvinas, theo đó phần lớn các cư dân tại đây chấp thuận tiếp tục là một phần lãnh thổ của Anh. Argentina đã bác bỏ kết quả này, và cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân không được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận và không có nước nào cử quan sát viên tới.

Trong cuộc họp ngày 20/6, Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman nhấn mạnh, tranh chấp là vấn đề giữa Anh và Argentina, đồng thời yêu cầu cuộc gặp trực tiếp với Ngoại trưởng Anh William Hague để giải quyết vấn đề. Ông Timerman nêu rõ: “Người dân tại quần đảo Malvinas không phải là một phần của cuộc tranh chấp này. Chúng tôi có 40 triệu người Argentina tại đây và Anh có 60 triệu người. Tôi và Ngoại trưởng Anh là đại diện cho 100 triệu người dân trên quần đảo này và chúng ta phải có trách nhiệm với họ”.

Tranh chấp chủ quyền quần đảo Falkland/Malvinas nóng lên từ ngay trong những ngày đầu năm nay, sau khi Thủ tướng Anh David Cameron bác bỏ lời kêu gọi của Tổng thống Argentina Cristina Fernández về việc trao trả chủ quyền Malvinas cho Argentina. Con số 400.000 kilômét vuông diện tích vùng biển bao quanh Falkland/Malvinas có khả năng khai thác dầu khí, sẽ khiến cho cuộc tranh cãi của Anh và Argentina không dễ dàng giải quyết được. Phía Anh đã chỉ trích chính phủ Argentina "không lắng nghe nguyện vọng của người dân trên quần đảo này", và bác bỏ bất cứ đề xuất đàm phán nào về chủ quyền. Argentina lại cáo buộc chính phủ Anh là "thực dân”, đồng thời yêu cầu Anh tôn trọng nghị quyết của Liên Hợp Quốc và nên tiến hành đàm phán để dàn xếp tranh chấp.

Khi mà nghị quyết hàng năm của Liên Hợp Quốc không có tiếng nói mạnh mẽ trong việc giải quyết tranh chấp dai dẳng về chủ quyền quần đảo Falkland/Malvinas, thì Anh và Argentina vì nguồn lợi dầu khí khổng lồ sẽ tranh giành tới cùng chủ quyền quần đảo này./.