Các hiệp định thương mại tự do trong quá khứ đã hủy hoại tiến trình công nghiệp hóa của Ấn Độ. Vì thế, New Delhi sẽ phải áp dụng các tiếp cận ‘Ấn Độ Tự cường’ (Atmanirbhar Bharat) trong các hiệp định thương mại ở tương lai. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ngày 16/11 lý giải về việc Ấn Độ không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một ngày sau khi 15 quốc gia tham gia RCEP ký kết thỏa thuận thương mại đa phương có quy mô lớn nhất thế giới này.
Tuyên bố được ông Jaishankar đưa ra trong bài phát biểu tại Đối thoại Deccan do Trường Kinh doanh Ấn Độ có trụ sở tại thành phố Hyderabad tổ chức. Nhà ngoại giao Ấn Độ khẳng định những quan điểm cho rằng Ấn Độ cần tăng độ mở và hiệu quả của nền kinh tế đều không cho thấy được bức tranh tổng thể.
“Tôi không muốn nói quá, nhưng những thứ mà chúng ta quyết định hôm nay sẽ quyết định liệu Ấn Độ có trở thành cường quốc công nghiệp hàng đầu trong tương lai hay không”, Ngoại trưởng Jaishankar nói. Ấn Độ năm ngoái đã quyết định rút khỏi bàn đàm phán RCEP, viện dẫn các quan ngại rằng hàng hóa Trung Quốc có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước bằng cách đi qua nước thứ ba.
Ngoại trưởng Ấn Độ cho rằng khi các ứng dụng công nghệ và hệ thống sản xuất toàn cầu ngày càng trở nên hội tụ, lựa chọn giờ đây ngày càng mang nặng hàm ý chiến lược. “Những tiến bộ hạn chế mà chúng ta đạt được và khoảng cách với tiềm năng thực sự của chúng ta khiến chúng ta ở vào một vị trí đặc biệt khó”, ông Jaishankar nói.
“Nhân danh sự cởi mở, chúng ta đã cho phép các sản phẩm được trợ cấp, và các lợi thế sản xuất không công bằng từ nước ngoài thắng thế. Và trong khi đó, điều này được bào chữa bằng câu thần chú về một nền kinh tế mở và toàn cầu hóa. Thật là bất thường khi một nền kinh tế hấp dẫn như Ấn Độ lại cho phép người khác đặt ra khuôn khổ. Theo thời gian, tình trạng khó khăn của chúng ta ngày càng trở nên nghiêm trọng.”
Ông Jaishankar khẳng định tầm nhìn ‘Ấn Độ Tự cường’ của chính phủ nước này vì thế là rất quan trọng. Cách tiếp cận này sẽ giúp xây dựng năng lực quốc gia. Chiến lược ‘Ấn Độ Tự cường’ (Atmanirbhar Bharat ) do Thủ tướng Ấn Độ Modi khởi xướng hồi tháng 5 vừa qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tranh chấp lãnh thổ tại biên giới Ấn Độ-Trung Quốc cùng các biến động địa chính trị tại khu vực khiến các chuỗi cung ứng quan trọng của Ấn Độ bị gián đoạn, sản xuất trong nước bị đình đốn.
Tham vọng của chiến lược này là biến Ấn Độ trở thành một cứ điểm sản xuất toàn cầu trong tương lai. Để thực hiện mục tiêu này, chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi trực tiếp để thu hút các nhà sản xuất lớn trên thế giới chuyển cơ sở sản xuất về nước này./.