Ngày 3/12, Ấn Độ đưa ra đề nghị đóng góp 1 triệu USD cho một quỹ ủy thác của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) và cử các chuyên gia tham gia hỗ trợ quá trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học dự trữ của Syria.

bieu-tinh-albania1.jpg
Người biểu tình Albania gây sức ép buộc Chính phủ nước này từ chối lời đề nghị của Mỹ cung cấp địa điểm tiêu hủy số vũ khí hóa học của Syria (Ảnh: AP)

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, “Ấn Độ là một trong những thành viên đầu tiên của Công ước Vũ khí hóa học (CWC) và là quốc gia sở hữu loại vũ khí này đã hoàn thành việc tiêu hủy số vũ khí hóa học của mình phù hợp với Công ước”.

Tuyên bố cũng cho hay: “Ấn Độ hoan nghênh những tiến bộ đạt được liên quan đến việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria cũng như việc Syria gia nhập Công ước này. Đóng góp của Ấn Độ cho các hoạt động mà OPCW đang thực hiện là một minh chứng cụ thể cho mong muốn và nỗ lực của Ấn Độ để loại bỏ hoàn toàn số vũ khí hóa học trên thế giới”.  

Ấn Độ là một trong số những quốc gia được Nga ủng hộ tham gia vào Hội nghị quốc tế Geneva 2, hội nghị được kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp để mang lại hòa bình và ổn định cho Syria sau gần 3 năm nội chiến.

Trước đó ngày 2/12, Chính quyền Syria cho biết, những nỗ lực để giải giáp kho vũ khí hóa học của nước này có thể sẽ thất bại nếu cộng đồng quốc tế không đóng góp thêm kinh phí và các thiết bị cần thiết.

Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad phát biểu tại một cuộc họp của OPCW cho hay, Syria cần thêm xe đặc chủng và các nguồn lực hỗ trợ khác để có thể di chuyển số vũ khí hóa học ra khỏi đất nước ông.

Trong một bức thư gửi cho Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng cho rằng, nhiệm vụ giải giáp hoàn toàn kho vũ khí hóa học của Syria cần một “nỗ lực chưa từng có” của thế giới.

Theo kế hoạch, OPCW sẽ phải hoàn thành tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học dự trữ của Syria vào giữa năm 2014./.