Tháng 9/2013, cả thế giới nín thở dõi theo từng động thái của Mỹ. Khi kịch bản can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh vào Syria sau sự kiện ngày 21/8 gần như là không thể tránh khỏi thì Nga – Mỹ bất ngờ đạt được thỏa thuận đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế. Ngòi nổ chiến tranh được “tháo dỡ” vào phút chót.

syria1-1.jpg
Nhiệm vụ tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria vẫn còn nhiều gian nan (Ảnh: NewYorker)

Bất chấp những hoài nghi về tính khả thi, thỏa thuận này đã ngay lập tức nhận được sự đánh giá cao của không chỉ từ phía Nga mà còn từ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Anh, Trung Quốc, và cả các nhà lập pháp Mỹ.

Trên thực tế, Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã nghiêm túc thực hiện thỏa thuận giải giáp kho vũ khí hóa học dự trữ của nước này. Mặc dù vậy, cho đến nay, quá trình tiêu hủy vẫn còn đầy rẫy những khó khăn, từ  thiếu kinh phí cho đến việc không có quốc gia nào đồng ý cung cấp địa điểm để thực hiện quá trình tiêu hủy.

Albania cho Mỹ “mừng hụt”

Từ trước tới nay chỉ có 3 quốc gia trên thế giới đã khai báo kho vũ khí hóa học của mình cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) và thực hiện tiêu hủy, Albania là một trong 3 nước đó. Vì có mối quan hệ thân thiết với Mỹ, Albania được OPCW xem là nước có nhiều khả năng tiếp nhận kho vũ khí hóa học của Syria.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã 3 lần nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Albania Edi Rama trong nỗ lực tìm kiếm sự hợp tác. Bình luận về động thái này của ông Kerry, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Volker nói: “Khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ đảm nhận một vấn đề ông cảm thấy cần phải giải quyết - trong trường hợp này là tiêu huỷ vũ khí hóa học của Syria, ông ấy sẽ làm tất cả mọi việc ông ấy cảm thấy cần phải làm để thúc đẩy tiến trình này”.

Là một trong số ít các quốc gia được Mỹ kỳ vọng sẽ cung cấp địa điểm để tiêu hủy số vũ khí hóa học của Syria. Tuy nhiên, ngày 15/11, ông Rama đã có bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia khẳng định: “Albania không thể tham gia vào hoạt động này của chính phủ Mỹ”. Lý do mà ông Rama đưa ra là Albania “không có đủ năng lực cần thiết”.

Người dân Albania gây sức ép buộc Chính phủ nước này từ chối lời đề nghị của Mỹ (Ảnh: independent)

Tuyên bố của ông Rama được đưa ra sau khi hàng nghìn người dân Albania, trong đó có cả học sinh, đã xuống đường tuần hành để phản đối kế hoạch của Nhà Trắng tại thủ đô Tirana và một số thành phố khác.

Sau khi bị Albania khước từ hợp tác, Đại sứ quán Mỹ tại Tirana tuyên bố: “Mỹ tôn trọng quyết định của Albania đồng thời tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác cũng như Liên Hiệp Quốc để đảm bảo việc loại bỏ vũ khí hóa học của Syria diễn ra theo đúng dự kiến”.

Trong khi đó ông Ian Brzezinski, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, quyết định của Albania là một bước thụt lùi của nỗ lực tiêu hủy vũ khí hóa học Syria.

Ông Brzezinski nói: “Chính phủ Mỹ đặt nhiều hy vọng vào việc Albania sẽ cung cấp những nguồn lực và địa điểm để tiêu hủy vũ khí hóa học… Bước tiếp theo mà Mỹ và Nga cần phải làm là tìm một nước khác có thể có những cơ sở để tiêu hủy số vũ khí hóa học này. Về cơ bản có hai giải pháp - tìm một nước khác làm việc này hay tiêu hủy ngay tại Syria. Dĩ nhiên là việc tiêu hủy ngay ở Syria- nơi đang có chiến tranh sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề về an ninh.”

Washington yêu cầu Tirana chấp nhận các yêu cầu trong khi các nước phương Tây khác như Anh, Pháp , Na Uy… các quốc gia cũng có kinh nghiệm trong việc phá hủy vũ khí hóa học, đã từ chối cung cấp địa điểm để thực hiện việc tiêu hủy số vũ khí hóa học của Syria.

Mặc dù Albania có thái độ tích cực cũng như kinh nghiệm trong việc phá bỏ kho vũ khí hóa học của chính mình vào năm 2007 và dù là quốc gia “thấp cổ bé họng” nhất trong số những ứng cử viên được Mỹ lựa chọn thì điều đó không đồng nghĩa với việc nước này sẽ buộc phải tuân theo sự sắp đặt bất chấp phản ứng của dư luận.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, Albania có “cái lý” của họ và bản thân Mỹ đã không có lựa chọn sáng suốt khi trông chờ vào sự chấp thuận của Albania. Trả lời đài "Tiếng nói nước Nga", Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị xã hội Nga Vladimir Yevseyev nói: “Để tiêu hủy vũ khí hóa học cần phải có cơ sở hạ tầng thích hợp”.

ÔngYevseyev nói thêm: “Hiện nay, cơ sở như vậy chỉ có tại một vài quốc gia. Albania đã từ chối tiêu hủy vũ khí hóa học không chỉ vì không muốn tiếp nhận chất độc trên lãnh thổ của mình mà còn vì không có khả năng trong thời gian ngắn xử lý hơn 1.000 tấn vũ khí hóa học. Albania không thể xử lý khối lượng lớn như vậy”.

Vũ khí hóa học là thứ mà không nước nào muốn nhận

Vũ khí hóa học chỉ có thể bị phá hủy hoặc theo cách dễ dàng hoặc theo cách an toàn chứ không thể theo cách vừa dễ dàng vừa an toàn. Theo Công ước vũ khí hóa học (CWC), có chữ ký của 190 quốc gia, bao gồm cả Syria, bất kỳ hóa chất độc hại hoặc tiền chất có thể gây ra cái chết, làm bị thương, mất sức tạm thời, hoặc kích thích cảm giác được gọi là vũ khí hóa học.

Chuyên gia OPCW làm việc tại một cơ sở lưu trữ vũ khí hóa học của Syria (Ảnh: EPA)

Trước khi công ước này lần đầu tiên được ký kết vào năm 1993, nhiều quốc gia đã phá hủy kho vũ khí hóa học của họ bằng cách đốt, chôn hoặc đổ xuống biển. Tuy nhiên, những cách làm này không thực sự hiệu quả và vẫn để lại những mối đe dọa đến môi trường, an toàn và sức khỏe con người.

Sau Thế chiến thứ II, 40.000 tấn đạn dược hóa học trong đó có chứa khoảng 13.000 tấn hóa chất đã bị đổ xuống biển Baltic, có vài nghìn tấn đã lại nổi lên trong những thập kỷ sau đó. Nhiều trường hợp trôi dạt vào bờ, mắc vào lưới đánh cá của của ngư dân. Năm 1955, một khối chứa khí độc mù tạt trôi dạt vào một bãi biển ở Ba Lan đã làm ít nhất hơn 100 người bị thương.

Hiện nay trên thế giới có nhiều phương pháp khác nhau đang được sử dụng để hủy bỏ hóa chất và đạn dược hóa học. Tuy nhiên, hầu hết đều phải bao gồm quy trình: Đốt ở nhiệt độ cực cao để vô hiệu hóa độc tính của hóa chất hoặc trung hòa các hóa chất bằng cách thêm nước và sodium hydroxide.

Theo ông Paul Walker, Giám đốc An ninh môi trường và phát triển bền vững của tổ chức phi chính phủ Chữ thập Xanh quốc tế cho rằng, quy trình xử lý ở nhiệt độ cực cao không đảm bảo loại bỏ hoàn toàn được chất độc hóa học nếu không có đủ phương tiện tiến tiến. Trong khi đó, nước thải từ quá trình trung hòa cũng sẽ là nguồn độc hại nếu không được xử lí triệt để.

Vấn đề đặt ra ở đây là thời hạn chót cho việc tiêu hủy tất cả số vũ khí hóa học của Syria đã được ấn định vào ngày 30/6/2014. Trước đó những hóa chất “nguy hiểm nhất” sẽ được vận chuyển ra khỏi Syria và thời hạn để thực hiện việc này là ngày 31/12/2013. Với một thời gian “gấp gáp” như vậy cộng với những khó khăn chồng chất như hiện nay, liệu quá trình này có được đảm bảo thành công?

Tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria, chặng đường còn lắm gian nan

Bảy tuần trôi qua với những nỗ lực “vượt bậc” của OPCW để vô hiệu hóa các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học của Syria. Với mục tiêu tiếp theo là đưa những hóa chất “nguy hiểm nhất” ra khỏi Syria trước ngày 31/12, đây hứa hẹn sẽ là một cuộc chiến ngoại giao và hậu cần phức tạp.

Ahmet Uzumcu, Tổng giám đốc OPCW, tổ chức chịu trách nhiệm tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria (Ảnh: AP)

Trong khi chính quyền Tổng thống Obama vẫn “loay hoay” tìm một đối tác sẵn sàng cung cấp địa điểm để tiếp nhận số vũ khí này, Các chuyên gia của OPCW đã bắt đầu xem xét khả năng xử lý vũ khí hóa học ngoài biển.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki nói: “Hiện vẫn chưa có một quyết định chính thức nào về vấn đề này nhưng một trong những lựa chọn đó là việc phá hủy các hóa chất độc hóa học trên 1 con tàu, công việc này sẽ được thực hiện mà không gây nguy hại với môi trường”.

Theo phát ngôn viên OPCW Christian Chartier, đây sẽ là lựa chọn “giàu tính khả thi”.

Mới đây nhất, ngày 27/11, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đưa ra đề xuất về việc vô hiệu hóa số vũ khí hóa học của Syria trên vùng biển quốc tế ở Địa Trung Hải.

Theo đó, phần lớn số vũ khí hóa học sẽ được tiêu hủy ở trên tàu MV Cape Ray ở vùng biển quốc tế. Tiến trình tiêu hủy sẽ do OPCW thực hiện. Mỹ không tham gia song sẽ điều các tàu chiến hải quân làm nhiệm vụ tuần tra, giám sát gần đó để đảm bảo quá trình tiêu hủy diễn ra an toàn.

Với phương án này, Mỹ cho rằng sẽ tránh được các vấn về ngoại giao, môi trường, an ninh gây tranh cãi hiện nay. Giới quan sát cho rằng, trong khi chưa có quốc gia nào đồng ý cung cấp địa điểm tiêu hủy các chất độc hại này thì phương án tiêu hủy trên biển đang là lựa chọn khả thi nhất.

Mặc dù vậy theo ông Jonathan Lalley, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Obama thì chưa có quyết định chính thức nào liên quan đến việc tiêu hủy chất độc hóa học bên ngoài lãnh thổ Syria được đưa ra.

Ông Lalley nói: “Chúng tôi và các đối tác quốc tế của mình đang tìm kiếm cách thức để tiêu hủy và chúng tôi sẽ tiếp tục cùng nhau thảo luận để tìm kiếm sự đóng góp tốt nhất có thể của các quốc gia khác. Chúng tôi tin tưởng rằng, việc loại bỏ hoàn toàn số vũ khí hóa học của Syria theo thỏa thuận sẽ được thực hiện”.

Nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả thực sự của phương án này, đặc biệt là ở khía cạnh an toàn với môi trường. Ông Tengiz Borisov, cựu Chủ tịch Ủy ban phụ trách các nhiệm vụ đặc biệt dưới nước của Chính phủ Nga cho rằng, không thể loại trừ những tình huống rủi ro ngoài ý muốn. Nếu những rủi ro này xảy ra với số chất độc hóa học thì hiểm họa sẽ khôn lường.

Trong một diễn biến khác có liên quan,  tuyên bố ra ngày 21/11 của OPCW đã kêu gọi sự hợp tác của các công ty tư nhân trong tiến trình phá hủy 2/3 tổng số vũ khí hóa học (tương đương với 798 tấn) và xử lý 7,7 triệu lít chất thải phát sinh từ quá trình này. Theo quy định của OPCW, những công ty nào có quan tâm tới lĩnh vực này cần nộp bản đăng ký trước chậm nhất vào ngày 29/11.

Nhìn chung, 2 giai đoạn đầu tiên của quá trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria đã diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn thứ 3, giai đoạn được xem là phức tạp nhất, khó khăn nhất, tốn kém thời gian và tiền bạc nhất nhiều vấn đề nảy sinh đã chứng minh các nhận định trước đó cho rằng, thời hạn 30/6/2014 để hoàn thành tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của Syria dường như là “không tưởng”./.