Chính phủ Ấn Độ vấp phải sự chỉ trích sau khi chi ngân sách 3,5 tỷ rupee (tương đương 52,8 triệu USD) cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu trong vòng 2 năm tới.
Các chuyên gia môi trường cho rằng số tiền đầu tư này là quá nhỏ, không xứng tầm quốc gia cũng như không đủ đối mặt với các thách thức.
Khô hạn ở Ấn Độ. Ảnh: econews. |
Các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ, quốc gia lớn thứ 7 trên thế giới với dân số hơn 1,2 tỷ người, có nhiều vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu nên rất cần nguồn quỹ lớn để ứng phó.
Giáo sư Lyla Mehta thuộc Viện nghiên cứu Phát triển (trụ sở ở Anh) cho rằng nhiều vùng ở Ấn Độ, cả nông thôn và thành thị sẽ cần giúp đỡ để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dẫn chứng là sau bão Aila năm 2009, chính quyền tiểu vùng Sunderbans đã phải chi tới 75 triệu USD để giải quyết hậu quả sau thiên tai cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giáo sư Mehta nêu bật các vấn đề ở Sunderbans, vùng đồng bằng trũng ở miền nam, nơi người dân đang di cư ra khỏi những vùng bị xói lở và nguy cơ nước biển dâng nhấn chìm.
Hiện Ấn Độ cũng đã áp dụng chính sách đánh thuế đối với các nhà máy đốt than gây ô nhiễm và dùng số tiền này tài trợ cho các chương trình năng lượng sạch.
Tuy nhiên, một phần quỹ đã được dùng cho việc làm sạch sông Hằng ô nhiễm, thay vì đáp ứng mục tiêu cơ bản đề ra là chi cho ứng phó với biến đổi khí hậu./.