Cuộc giải cứu con tin tại Algeria đang có những diễn biến mới, khi quân đội nước này tiếp tục chiến dịch tấn công nhóm Hồi giáo nổi dậy ở miền Nam vẫn đang giam giữ khoảng 20 con tin nước ngoài. Trong khi nhóm bắt cóc đã đưa ra yêu cầu mới. Nhà lãnh đạo các nước có công dân bị bắt tại Algeria đã hoãn hoặc rút ngắn hàng loạt các hoạt động chính trị và ngoại giao quan trọng để theo dõi cuộc giải cứu con tin mạo hiểm của Algeria.

algeria.jpg
Cơ sở khí đốt In Amenas nơi bọn bắt cóc khống chế và giam giữ con tin (Ảnh: AP)

Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault ngày 18/1 cho biết, ông đã liên lạc với Thủ tướng Algeria và được thông báo quân đội Algeria vẫn đang tiếp tục nỗ lực giải cứu các con tin nước ngoài bị các tay súng Hồi giáo giam giữ tại cơ sở khí đốt In Amenas ở tỉnh Illizi, miền Nam nước này. Trước đó, theo hãng Thông tấn quốc gia Algeria APS, quân đội nước này đã giải cứu gần 650 con tin, trong đó có khoảng 70 con tin người nước ngoài. Nguồn tin an ninh Algeria cũng cho biết, một số tay súng Hồi giáo nổi dậy vẫn đang ẩn náu tại cơ sở khí đốt In Amenas, đồng thời bác bỏ thông tin từ nhóm bắt cóc nói rằng 34 con tin và 14 kẻ bắt cóc đã thiệt mạng khi quân đội Algeria thực hiện chiến dịch giải cứu.

Tình trạng thiếu thông tin cụ thể về vụ bắt cóc nghiêm trọng này đang tạo ra bầu không khí căng thẳng ở nhiều nước chờ đợi tin tức chính xác về số phận các công dân nước mình. Đặc biệt, là sau thông báo từ Bộ Thông tin Algeria thừa nhận các lực lượng đặc nhiệm Algeria trong chiến dịch giải cứu đã gây thương vong cho  một số con tin nước ngoài. Thủ tướng Anh David Cameron đã quyết định hoãn bài phát biểu quan trọng về tương lai của Liên minh châu Âu trong ngày 18/1 để theo dõi vụ việc. Theo các nguồn tin, 1 công dân Anh đã bị giết hại, 2 người được thả tự do, nhưng vẫn còn khoảng 20 công dân Anh chưa rõ số phận. Ngoại trưởng Anh William Hague trong phát biểu ngày 18/1 khi đang ở thăm Australia đã lên án mạnh mẽ hành động bắt cóc khủng bố tại Algeria. Ông Hague cũng đã rút ngắn chuyến thăm Australia để về nước theo dõi vụ việc.

“Chúng tôi không có những thông tin rõ ràng và cụ thể về vụ bắt cóc con tin tại Algeria. Nhưng những kẻ thực hiện vụ bắt có này chắc chắn là khủng bố, khi tấn công và giết hại những công nhân vô tội người Algeria và người nước ngoài.  Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi lúc này là có được thông tin và tình hình chính xác của từng công dân Anh bị bắt giữ. Chúng tôi cũng hỗ trợ các nước khác để làm rõ tình hình công dân nước họ. Anh đã cử một phái đoàn tới Algeria. Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với chính phủ Algeria và Tập đoàn Dầu khí BP”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã rút ngắn chuyến thăm Indonesia để về nước giải quyết vấn đề. Tập đoàn xây dựng JGC của Nhật Bản cho biết họ xác nhận được sự an toàn của 3 nhân viên người Nhật Bản và một công nhân Philíppines. Song số phận của 74 người còn lại, trong đó có 14 người Nhật Bản, vẫn chưa rõ. Thủ tướng Abe nhấn mạnh bất cứ hành động nào gây thương vong cho người dân vô tội là không thể tha thứ được:.“Kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc, chính phủ Nhật Bản đã giữ liên lạc chặt chẽ với các nước để thu thập những thông tin cụ thể. Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ Algeria đảm bảo sự an toàn cho các con tin. Tình hình vẫn đang rất nguy hiểm và chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để đưa công dân Nhật Bản trở về an toàn”.

Trong khi đó, hãng thông tấn ANI của Mauritania cho biết, nhóm bắt cóc đã ra điều kiện thả những con tin người Mỹ để đổi lấy 2 phần tử nổi dậy đang bị giam giữ tại Mỹ. Theo nguồn tin, 2 tên này là Aafia Siddiqui, quốc tịch Pakistan và Omar Abdel-Rahman, quốc tịch Ai Cập. Hãng thông tấn ANI cho biết, thông tin từ nhóm bắt cóc không nêu rõ số lượng con tin Mỹ đang bị giam giữ. ANI cho rằng, còn khoảng 20 con tin người nước ngoài đang bị giam giữ hoặc bị mất tích sau chiến dịch tấn công của quân đội Algeria./.