Ngày 17/1, hãng thông tấn APS của Algeria cho biết chiến dịch quân sự nhằm giải cứu con tin bị các tay súng Hồi giáo cực đoan bắt cóc tại một cơ sản xuất khí đốt ở Đông Nam nước này đã kết thúc.

Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, có ít nhất 35 con tin đã thiệt mạng trong vụ giải cứu được xem là đầy mạo hiểm của chính phủ Algeria. Chính phủ nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về chiến dịch giải cứu này.

Trong một tuyên bố trên truyền hình, Bộ trưởng Thông tin Algeria Mohamed Said cho biết: Quân đội Algeria đã quyết định tiến hành tấn công quân sự nhằm vào cơ sở sản xuất khí đốt In Amenas thuộc tỉnh Inllizi ngay sau khi những kẻ khủng bố đang giam giữ nhiều con tin tại đây từ chối thương lượng.

Tuy nhiên ông Said chỉ xác nhận có nhiều con tin thiệt mạng và bị thương trong nỗ lực tấn công này, song không cho biết con số cụ thể.

 

noi%20con%20tin%20o%20algeria%20bi%20giam%20giu.jpg
Khu vực con tin bị giam giữ ở Algeria (ảnh: starAfrica)

“Chiến dịch đã thành công khi đồng thời vô hiệu hóa được phần lớn các kẻ khủng bố và trả tự do cho một số con tin”, ông Said nói. “Tuy nhiên, chúng tôi thật đáng buồn khi phải thông báo nói rằng đã có một số người chết và bị thương. Tại thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa thể công bố con số chính thức.”

Theo kênh truyền hình trung ương CCTV của Trung Quốc đã có 35 con tin thiệt mạng trong vụ việc này, trong đó có 8 người Algeria, 2 người Nhật Bản, 2 người Anh và 1 người Pháp. Hiện quốc tịch những người xấu số còn lại vẫn chưa được xác định. Cũng theo nguồn tin an ninh Algeria, ít nhất 11 phần tử khủng bố trong vụ bắt cóc con tin này đã bị tiêu diệt, trong đó có chỉ huy nhóm này là Abu al-Baraa.

Chuẩn bị tinh thần đón nhận tin xấu

Như vậy, chỉ hai ngày sau vụ bắt cóc con 41 con tin tại một cơ sở sản xuất dầu khí của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ BP (Anh) tại thành phố In Amenas ở miền Nam Algeria, gần biên giới với Libya, chính phủ Algeria đã hoàn tất chiến dịch giải cứu con tin. Nhưng với số lượng con tin thiệt mạng quá lớn như trên, chiến dịch giải cứu con tin này được xem là quá mạo hiểm.

Chính phủ nhiều quốc gia liên quan như Mỹ, Pháp, Anh, và Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về phương thức giải quyết vụ bắt cóc của chính quyền Algeria. Thủ tướng Anh David Cameron đã khuyến cáo người dân nước này sẵn sàng đón nhận “tin xấu” từ Algeria. Ông cũng quyết định hoãn bài phát biểu quan trọng về tương lai của Liên minh châu Âu (EU) tại Hà Lan vào ngày 18/1 do cuộc khủng hoảng này.

“Chúng tôi biết rằng có một số công dân Anh đã bị bắt giữ làm con tin. Chúng tôi cũng biết là đã có một số người thiệt mạng,” Thủ tướng Anh nói. “Đây là một tình huống đầy khó khăn khi lực lượng Algeria tấn công nhằm vào cơ sở sản xuất dầu khí để giải cứu con tin. Mọi thông tin bây giờ đều chưa có gì là chắc chắn và rõ ràng cả. Vì vậy tôi không thể nói thêm bất cứ điều gì lúc này. Theo tôi, chúng ta nên chuẩn bị những khả năng xấu nhất.”

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu quân đội Algeria ngừng ngay chiến dịch tấn công, đồng thời cử phái viên tới Algeria để phối hợp với chính quyền sở tại.

Trong một tuyên bố tại một cuộc họp báo diễn ra sáng 18/1, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: “Chúng tôi xác nhận có 3 công dân Nhật Bản đã được an toàn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có thông tin về 14 công dân khác. Những thông tin về họ vẫn chưa rõ ràng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình để sớm có thông tin và làm hết sức để hoàn tất việc giải cứu các công dân này. Chúng tôi mong muốn phối hợp với các bên để xác nhận mọi thông tin có liên quan và sẽ làm những gì có thể để tác động đến quá trình giải cứu con tin này.”

Trong một diễn biến liên quan, tập đoàn dầu mỏ BP hôm 17/1 tuyên bố sẽ giảm các nhân viên không cần thiết của tập đoàn này tại Algeria.

Trong một tuyên bố ngay khi chiến dịch giải cứu con tin kết thúc, Ông Peter Mather, người đứng đầu tập đoàn dầu khí BP cho biết, đây là một thời điểm rất đáng buồn và đầy căng thẳng đối với những người bị ảnh hưởng sau vụ bắt cóc con tin này. “Mục đích của chúng tôi là tập trung 100% vào sự an toàn và bình yên của mọi người. Chúng tôi đang bắt đầu triển khai kế hoạch giảm thiểu các lực lượng nhân công không cần thiết.”./.