Ngày 15/9, lực lượng Al Qaeda ở bán đảo Arab đã chính thức lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công chết người vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, giết chết đại sứ Mỹ tại Libya là ông Christopher Stevens, đồng thời nói rằng đây là hành động trả thù cho việc nhân vật số 2 của mạng lưới này là Sheikh Abu Yahya al-Libi bị Mỹ tiêu diệt.

al-libi.jpg
Al-libi nhân vật thứ 2 của al-Qaeda, đã bị Mỹ tiêu diệt (ảnh: macleans)

"Việc giết hại Sheikh Abu Yahya chỉ làm gia tăng sự quyết tâm của những đứa con của Omar al-Mokhtar (người anh hùng giải phóng Libya) nhằm trả thù cho những kẻ tấn công nhà tiên tri của chúng ta," thông cáo của Al Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP) cho hay.Căn cứ chính của al-Qaeda ở Yemen đến nay vẫn chưa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm 11/9, nhưng nhấn mạnh rằng làn sóng chống Mỹ ở Libya, Ai Cập và Yemen những ngày qua "là dấu hiệu chỉ ra cho Mỹ thấy rằng đây không phải là cuộc chiến tranh với một nhóm hay một tổ chức, mà là với các quốc gia Hồi giáo".

Chủ tịch Quốc hội Libya al-Megaryef (ảnh: EPA)

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Libya Mohammed al-Megaryef khẳng định cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi đã được lên kế hoạch từ trước và "được thực hiện một cách kỹ càng".Bàn về làn sóng phản đối trên toàn thế giới trước bộ phim phỉ báng đạo Hồi do Mỹ sản xuất, ông Megaryef nói: "Tôi không muốn bàn về những gì đã xảy ra ở các quốc gia khác song đối với Libya, chiến dịch này đã được thực hiện một cách kỹ càng. Đã có một âm mưu. Đó không phải là một cuộc biểu tình hòa bình biến thành một vụ tấn công hay gây hấn có vũ trang".Cũng theo ông Megaryef, các phần tử nước ngoài đã tham gia vụ tấn công trên, khiến Đại sứ Chris Stevens và ba công dân Mỹ khác thiệt mạng.

Cùng ngày, Tunisia tuyên bố rằng "các hành động vô trách nhiệm" của những người biểu tình tham gia tấn công Đại sứ quán Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ Tunisia-Mỹ. Vụ tấn công này đã làm bốn người thiệt mạng và gần 50 người bị thương.

Hình ảnh được cho là của Đại sứ Mỹ tại Libya Chris Stevens sau khi bị tấn công (ảnh: AFP)