Ngày 24/11, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour phê chuẩn Luật Biểu tình vốn gây nhiều tranh cãi. Luật Biểu tình được nội các Ai Cập đệ trình lên Tổng thống 2 tuần trước.

bieu-tinh-ai-cap.jpg
Một cuộc biểu tình của người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi (Ảnh: Press TV)

Thủ tướng Ai Cập Hazem El-Beblawi nhận định, luật mới không “hạn chế quyền biểu tình” mà sẽ bảo vệ quyền của những người biểu tình. Ngoài ra, theo Thủ tướng Beblawi, luật không quy định người biểu tình cần phải xin phép trước khi tổ chức biểu tình, song họ cần “thông báo trước”.

Một nguồn tin giấu tên của Chính phủ Ai Cập nói rằng đã có những sự thay đổi như vậy so với dự thảo luật trước đó. Cụ thể hơn, những người tổ chức biểu tình có thể thông báo với chính quyền 3 ngày trước khi diễn ra sự kiện thay vì quy định phải thông báo sớm trước 7 ngày như trong dự thảo luật ban đầu.

Tuy nhiên, sau khi Luật Biểu tình được công bố trên các phương tiện truyền thông, hàng ngàn người chủ yếu là ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi đã tụ tập trên các đường phố của Cairo và các thành phố khác để phản đối.

Ngoài ra, các nhóm hoạt động ở Ai Cập đã chỉ trích mạnh mẽ dự thảo luật. Những người biểu tình cho rằng, luật biểu tình là một bước đi nguy hiểm, đặc biệt là khi đưa ra trước cuộc bầu cử vì như thế sẽ làm gián đoạn các cuộc tụ tập nơi công cộng bao gồm các cuộc tranh luận và biểu tình. Một số người cho rằng, chính phủ nên tập trung giải quyết gốc rễ sự bất bình của người dân chứ không phải là kiểm soát chặt chẽ bề nổi của vấn đề.

Một người dân ở Cairo cho biết: "Chính phủ phải hướng tới nhu cầu của người dân trước khi hạn chế các cuộc biểu tình. Điều đó có nghĩa là cần phải xem xét nhu cầu của người dân trước khi thông qua Luật Biểu tình. Tôi sẽ phản đối khi chính phủ không làm những gì cần phải làm”.

Động thái thông qua Luật Biểu tình trên diễn ra trong bối cảnh sinh viên ở một số tỉnh đang tiến hành biểu tình nhân 100 ngày sự kiện quân đội Chính phủ Ai Cập trấn áp hai trại của người biểu tình đòi khôi phục quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Morsi./.