Căng thẳng gia tăng tại Ai Cập trước thềm lễ kỷ niệm sự kiện đẫm máu xảy ra cách đây 2 năm trên phố Mohamed Mahmoud gần quảng trường trung tâm Tahrir, làm 47 người biểu tình thiệt mạng. Nguy cơ tái diễn các cuộc đụng độ bạo lực tồi tệ có thể xảy ra khi cả phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi và phe ủng hộ quân đội cùng kêu gọi biểu tình. Những diễn biến này có thể đẩy Ai Cập vào một cuộc khủng hoảng mới gần 1 tuần sau khi lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.

bieu-tinh-o-tahrir.jpg
An ninh được thắt chặt đặc biệt tại khu vực quảng trường Tahrir (Ảnh: Press TV)

Các cuộc biểu tình bắt đầu từ chiều qua nhằm tưởng niệm những người biểu tình thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh cách đây 2 năm. Khoảng 1.000 người tập trung tại quảng trường Tahrir, hô các khẩu hiệu phản đối cảnh sát và Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah el-Sisi. Dự kiến một cuộc đại biểu tình sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (19/11).

Nhằm ngăn chặn biểu tình biến thành bạo lực, quân đội và cảnh sát Ai Cập đã được triển khai để đảm bảo an ninh, đặc biệt tại khu vực Quảng trường Tahrir. Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim cho biết, lực lượng an ninh tiếp tục được triển khai trên các tuyến phố chính, các quảng trường và các địa điểm tập trung đông người, ngay cả khi lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ.

Lực lượng an ninh cũng được triển khai bên ngoài các đồn cảnh sát và trụ sở các cơ quan nhà nước nhằm ngăn chặn các âm mưu tấn công. Chính quyền thành phố đã cho lắp đặt hàng loạt camera giám sát tại nhiều địa điểm ở các thành phố trên toàn quốc và tuyên bố cảnh sát "sẽ đáp trả ngay lập tức" bất cứ ai có hành động vi phạm.

Bên cạnh việc ngăn chặn các cuộc biểu tình biến thành bạo lực, chính phủ lâm thời Ai Cập cũng đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn gia tăng, đặc biệt tại thủ đô Cairo. Cuối tuần qua, một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Ai Cập đã bị bắn chết tại nhà riêng. Đây là quan chức cấp cao nhất tại Cairo bị sát hại kể từ khi Tổng thống Morsi bị phế truất vào tháng 7 vừa qua.

Tình trạng bất ổn này diễn ra sau khi có nhiều bước tiến tích cực tại quốc gia Bắc Phi này. Chính phủ lâm thời Ai Cập gần đây tuyên bố sẵn sàng hòa giải với tổ chức Anh em Hồi giáo nhằm giúp Ai Cập thoát khỏi khủng hoảng.

Tuy nhiên, với những điều kiện của chính phủ lâm thời và Tổ chức Anh em Hồi giáo đưa ra, giới phân tích không mấy lạc quan về triển vọng hòa giải. Mặc dù đề xuất lần này không nhấn mạnh vấn đề phải phục chức cho ông Morsi, nhưng Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng hối thúc mọi thế lực chính trị thừa nhận những gì quân đội nước này làm ngày 3/7 vừa qua là cuộc đảo chính lật đổ.

Trong khi đó, chính phủ Ai Cập yêu cầu Tổ chức Anh em Hồi giáo phải chấp nhận lộ trình chuyển tiếp chính trị mà quân đội đã công bố hồi đầu tháng 7 như một điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ. Các cuộc biểu tình của Tổ chức Anh em Hồi giáo trong ngày 19/11 không chỉ khiến triển vọng hòa giải lâm vào bế tắc mà có thể đẩy quốc gia Bắc Phi này vào tình trạng bất ổn xa hơn.

Chuyên gia phân tích chính trị Ai Cập Bashir Abdel Fattah nhận định: “Tôi nghĩ chúng ta cần có các biện pháp xây dựng lòng tin giữa Tổ chức Anh em Hồi giáo và các bên. Tổ chức Anh em Hồi giáo trước tiên nên chấp nhận những gì xảy ra hôm 3/7 vừa qua. Họ nên thừa nhận và chấp nhận có một chính phủ mới, một Tổng thống mới và chính phủ lâm thời. Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng phải chấm dứt bạo lực và chấp nhận sự kiện 3/7 trước khi có bất cứ cuộc đối thoại và đàm phán nào”.

Cuộc biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak cách đây gần 3 năm được cho là một cuộc cách mạng vì tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Ai Cập. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình kéo dài liên miên, tình trạng kinh tế ảm đạm cho thấy triển vọng không mấy sáng sủa của quốc gia Bắc Phi này./.