Sáng 30/11, Ủy ban Hiến pháp Ai Cập đã thông qua dự thảo Hiến pháp mới gồm 234 điều khoản, theo đó Hiến pháp mới sẽ được trình lên Tổng thống Mohamed Mursi ký phê chuẩn và đưa ra trưng cầu dân ý.

Trước đó vào trưa 29/11, Ủy ban Hiến pháp đã tiến hành thảo luận và bỏ phiếu thông qua dự thảo Hiến pháp mới. Toàn bộ quá trình này diễn ra cho đến đêm 29/11 và rạng sáng 30/11.

 

uy%20ban%20hien%20phap%20ai%20cap.jpg
Ủy ban Hiến pháp Ai Cập (ảnh: CS Monitor)

Hiến pháp mới xác định quyền lực của Tổng thống, Quốc hội cũng như vai trò của cơ quan tư pháp, quân đội và luật Hồi giáo.

Theo đó, Tổng thống có thể nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp, còn quân đội phải chịu sự giám sát của người dân. Tuy nhiên, do Hiến pháp mới được xây dựng trên cơ sở luật Hồi giáo, do đó về cơ bản Hiến pháp mới có nội dung như bản Hiến pháp dưới thời cựu Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak. 

Khủng hoảng bùng phát tại Ai Cập sau khi Tổng thống Mursi ban hành sắc lệnh hiến pháp, trong đó đó quy định các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng Lập hiến hoặc Hội đồng Shura (Thượng viện), đồng thời không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống ban hành kể từ khi ông nhậm chức ngày 30/6 cho đến khi Hiến pháp mới được phê duyệt và Quốc hội mới được bầu ra./.