Ngày 7/9, 9 Bộ trưởng vừa được Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil chỉ định tham gia Chính phủ mới, đã làm lễ tuyên thệ trước Tổng thống Mohamed Morsi.
Ngay sau lễ tuyên thệ, Tổng thống Mursi đã tiến hành cuộc họp đầu tiên với Nội các mới. Tại đây, Tổng thống Mursi kêu gọi tất cả các bên hợp tác với các thành viên Chính phủ mới và không đưa ra phán quyết quá sớm đối với các tân Bộ trưởng.
Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil (Ảnh: Reuters) |
Về phần mình, Thủ tướng Hisham Qandil khẳng định, Nội các mới sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh tế. Ông Hisham Qandil nhấn mạnh: "Việc cải tổ nội các lần này chủ yếu tập trung vào nhóm kinh tế. Trong giai đoạn đầy rẫy thách thức lớn như hiện nay, Ai Cập cần có một Chính phủ đủ sức đương đầu với thách thức và mang lại các thành tựu".
Tuy nhiên, lực lượng đối lập tại Ai Cập cho rằng, việc cải tổ nội các lần này là chưa đủ. Ai Cập cần có một cuộc cải tổ Chính phủ toàn diện, đủ sức chèo lái nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn hiện nay.
Mahmoud Al Aleili, Thủ lĩnh đảng "Những người Ai Cập tự do" khẳng định: “Việc cải tổ lần này rõ ràng không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề gì. Chúng tôi cho rằng, đây chỉ là hành động nhằm kéo dài thời gian và tạo ra ảo vọng đối với dân chúng. Nội các mới thực sự không có khả năng đối phó với những khó khăn hiện nay của nền kinh tế".
Giới quan sát nhận định, việc cải tổ nội các Ai Cập là bước đi cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hành động này có thể sẽ phản tác dụng nếu Chính phủ mới không được xây dựng trên sự đồng thuận giữa các lực lượng chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ của các lực lượng được coi là "có công" trong cuộc nổi dậy lật đổ chế độ Mubarak cách đây hơn 2 năm.
Trong bối cảnh cuộc tranh giành quyền lực trên chính trường Ai Cập vẫn chưa thực sự ngã ngũ, người ta không loại trừ khả năng sóng gió có thể sẽ lại nổi lên sau sự kiện cải tổ nội các lần nay tại quốc gia bắc Phi này./.