Ngày 22/4, Mặt trận Cứu quốc, lực lượng đối lập chính tại Ai Cập, kêu gọi toàn thể người dân nước này tập trung biểu tình trước trụ sở Hội đồng Tư vấn quốc gia (tức Thượng viện).

bieu-tinh-cairo.jpg
Biểu tình rầm rộ ở thủ đô Cairo phản đối cải cách bộ máy tư pháp (Ảnh: news.cn)

Kêu gọi biểu tình của phe đối lập diễn ra khi Hội đồng tiến hành phiên thảo luận đầu tiên về dự thảo luật Tư pháp, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với bộ máy Tư pháp, cơ quan quyền lực duy nhất tại Ai Cập vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các nhân vật thuộc chế độ Mubarak đã bị lật đổ.

Trong một thông báo chính thức, Mặt trận cứu quốc Ai Cập cực lực phản đối mọi âm mưu nhằm vào giới Tư pháp, đồng thời cáo buộc Tổ chức Anh em Hồi giáo đang tìm cách thanh lọc cơ quan Tư pháp để tiếm quyền.

Samia Ashura, quan chức cấp cao thuộc Mặt trận Cứu quốc Ai Cập khẳng định: "Mặt trận Cứu quốc cực lực phản đối mọi âm mưu nhằm vào các thẩm phán, trong đó có việc kêu gọi thanh lọc khối Tư pháp và soạn thảo dự thảo luật Tư pháp mới vốn nhằm vào hơn 3.000 thẩm phán tại Ai Cập. Mặt trận khẳng định rằng, mục đích của dự án luật này là nhằm gạt bỏ các thẩm phán để dọn đường cho các nhân vật thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo thế chỗ. Mặt trận Cứu quốc kêu gọi toàn thể người Ai Cập tiến hành biểu tình trước Trụ sở Hội đồng Tư vấn ngay khi Hội đồng này tiến hành phiên thảo luận đầu tiên về dự thảo luật Tư pháp mới".

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Câu lạc bộ các thẩm phán Ai Cập, thẩm phán Ahmed al Zanad khẳng định, trong vòng một tuần nữa, Câu lạc bộ các thẩm phán Ai Cập sẽ trình khiếu nại lên Tòa án Hình sự quốc tế nhằm vào tất cả những ai kêu gọi "tàn sát và tấn công các thẩm phán".

Lời kêu gọi biểu tình bảo vệ bộ máy Tư pháp của Mặt trận Cứu quốc Ai Cập và lời khẳng định gửi khiếu nại lên Tòa án Hình sự quốc tế của Câu lạc bộ các thẩm phán Ai Cập, được đưa ra trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa Chính quyền của Tổ chức Anh em Hồi giáo và Cơ quan Tư pháp đang diễn ra quyết liệt.

Thứ 6 tuần trước, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã phát động cuộc biểu tình lớn với hàng chục ngàn người tham gia với lời kêu gọi "thanh lọc bộ máy Tư pháp". Đáp lại động thái này, hàng ngàn người khác thuộc phe đối lập đã tiến hành cuộc biểu tình bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với cơ quan Tư pháp. Động độ dữ dội giữa hai bên đã xảy ra khiến hơn 100 người bị thương, nhiều xe ô tô bị đốt cháy và lực lượng an ninh đã phải vào cuộc.

Giới quan sát khẳng định, chưa thể đoán định kết quả của cuộc đối đầu này. Tuy nhiên, một trong những hệ lụy có thể dễ dàng nhìn thấy trước của cuộc đối đầu này sẽ là sự bất ổn ngày càng tăng trên cả chính trường và trong xã hội Ai Cập. Nhiều kịch bản xấu đã được đề cập và người ta không loại trừ khả năng một làn sóng bạo lực nghiêm trọng mới có thể sẽ bùng phát, đẩy nền kinh tế Ai Cập vốn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn hiện nay tới chỗ kiệt quệ./.