Thủ tướng Italia - Paolo Gentiloni nhấn mạnh tất cả các nước đã ký Hiệp định Paris thì phải tôn trọng những cam kết của mình. Theo đó, Italia sẽ không nối gót Mỹ từ bỏ thỏa thuận này.

Phát biểu trước các phóng viên ở thủ đô Roma, Thủ tướng Italia Gentiloni nói: “Chúng ta đã cam kết với Hiệp định Paris và chúng ta sẽ tôn trọng và tiếp tục thực hiện cam kết của mình. Bởi đây là những cam kết vì tương của hành tinh này và nó cùng đồng nghĩa với một cơ hội phát triển phi thường. Đó là năng lượng tái sinh, phát triển bền vững… Do đó châu Âu cần giữ lại Hiệp định Paris. Tôi hy vọng Mỹ cũng sẽ cân nhắc lại lập trường của họ”.

sss_pgqo.jpg
Sự nóng lên của trái đất đang là một vấn nạn toàn cầu. (Ảnh: AP)

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 01/06 đã chính thức công bố quyết định rút nước này khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, bước đi giúp ông hiện thực hóa cam kết tranh cử, song quyết định này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất.

Tuy nhiên, ông Trump khẳng định Mỹ sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tham gia một thỏa thuận khác công bằng hơn đối với nước Mỹ. Chính phủ hiện nay tại Mỹ coi đây là “một hiệp định tồi” vì cho rằng nó bất công đối với Mỹ, góp phần cướp công ăn việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ. 

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris có thể khiến nhiệt độ Trái đất tăng thêm 0,3 độ C vào cuối thế kỷ này. Đây là viễn cảnh tồi tệ nhất mà Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc đưa ra hôm qua trong bối cảnh cộng đồng thế giới chỉ trích việc Mỹ “quay lưng” với thỏa thuận mang tính lịch sử về chống biến đổi khí hậu này. 

Nhà lãnh đạo nhiều nước trên thế giới cũng lên tiếng, trong đó, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cũng ủng hộ quan điểm của người đồng cấp Italia. Ấn Độ sẽ không thay đổi cam kết của mình trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, nhấn mạnh bảo vệ môi trường, khí hậu là hành động quan trọng với tất các cả nước. Trong khi đó, Liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng nhất trí tiếp tục thực hiện đúng cam kết đã đạt được trong Hiệp định Paris. Một số nước khác cho rằng việc Mỹ quay lưng không đồng nghĩa là dấu chấm hết với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu này./.