Trong số 13 trận động đất mạnh từ 3-6,7 độ, hầu hết (10 trận động đất) xảy ra do hoạt động đứt gãy và có hai trận động đất xảy ra ra sự hút chìm mảng. Ông Daryono, Điều phối viên Giảm nhẹ Động đất và Sóng thần BMKG kêu gọi người dân không hoảng sợ về sự gia tăng hoạt động địa chất gần đây bởi đây là một phần của quá trình tự nhiên và có thể lường trước để giảm thiểu rủi ro.

Các trận động đất trong tuần qua không gây thiệt hại về người và không có nguy cơ gây ra sóng thần. Trừ trận động đất 6,7 độ tại lỗ hổng địa chấn đã tồn tại 200 năm qua trên đảo Sumatra đã kích hoạt cảnh báo sóng thần, song ngay lập tức được gỡ bỏ. Sáng sớm 18/3, một trận động đất mạnh 5 độ cũng đã làm rung chuyển khu vực Banten, cảm nhận được ở các thành phố vệ tinh của thủ đô Jakarta.

Theo ông Daryono, khả năng xảy ra động đất và sóng thần sẽ luôn tồn tại trên lãnh thổ Indonesia. Do đó, người dân cần cảnh giác và luôn có kỹ năng đối phó.

Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia thường xuyên phải gánh chịu các trận động đất và phun trào núi lửa. Số liệu từ năm 2008 đến nay cho thấy, mỗi năm tại quốc gia Đông Nam Á này xảy ra hơn 5.800 trận động đất, trong đó các trận động đất lớn với cường độ từ 5 trở trên là khoảng 350 lần./.