Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, theo dòng thời gian, phật giáo đã gắn bó với đời sống của người Việt như một tôn giáo truyền thống. Chính bởi vậy, với người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước, dù ở bất cứ vùng đất nào có người Việt sinh sống đều sẽ có những ngôi chùa Việt được dựng lên.
Đến với đất nước Lào ngày nay, không khó để nhận ra những dấu ấn Việt xuất hiện đâu đó, đặc biệt là tôn giáo, Chùa Bàng long, Chùa Phật tích được viết bằng tiếng Việt là nơi bà con lưu đến mỗi ngày rằm, mùng 1 âm lịch.
Được tu sửa và khánh thành cuối năm 2010, dù là một ngôi chùa nhỏ nhưng chùa Phật Tích lại là niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Lào bởi lối kiến trúc mang đậm nét tâm linh Việt. Ngôi chùa được xây dựng trên tòa tháp 7 tầng, mỗi tầng tháp được đặt trang trọng một bức tượng Phật ngự trên đài hoa sen bình yên. Ở mỗi mái đao của tầng tháp là hình tượng tứ linh: long, lân, quy, phụng quen thuộc của người Việt.
Hiện nay, chùa Phật Tích không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh quen thuộc của đông đảo người con đất Việt xa xứ trên đất nước triệu voi, mà còn là nơi đoàn kết bà con cùng hướng về Tổ quốc thân yêu. Sâu xa hơn, chùa còn là nơi gìn giữ, bảo tồn bản sắc và quảng bá văn hóa của dân tộc Việt đến các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào, Trụ trì chùa Phật Tích, Thủ đô Vientiane, Lào cho biết: "Cộng đồng người Việt sinh hoạt tại chùa Phật Tích Vientiane, Lào, coi đây là một điểm tựa và cũng là nơi nương tựa về Phật giáo, cũng như thể hiện văn hóa truyền thống của người Việt Nam chúng ta tại Lào. Bà con sinh hoạt ở chùa Phật Tích là cầu an, cầu siêu và sinh hoạt học giáo lý Phật pháp, tiếp thu lời dạy của Đức Phật để áp dụng vào trong cuộc sống hiện tại của mình và khi được tiếp xúc với những lời dạy đó, phật tử sẽ cảm thấy hạnh phúc, bớt đi những cái lỗi lầm hơn".
Cho đến nay, trên khắp đất nước Triệu voi đã có 13 ngôi chùa phật giáo của người Việt được hình thành, đây vừa là nơi gửi gắm tâm linh của người Việt, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt trên đất nước Lào.
Từ tinh thần từ bi cứu khổ cứu nạn của Phật giáo, từ triết lý nhân sinh “bầu ơi thương lấy bí cùng” của dân tộc Việt Nam, các sư thầy cùng các tăng ni phật tử tại chùa Phật Tích thường kêu gọi tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở nước sở tại.
Thượng tọa Thích Minh Quang chia sẻ: "Trong những ngày không phải khóa tu thì các phật sự vẫn được diễn ra thường ngày, các phật tử làm công tác từ thiện xã hội như thăm hỏi người già neo đơn, người khó khăn trong cộng đồng người Việt. Đó là cầu nối để cộng đồng người Việt ở đây quan tâm lẫn nhau, gắn bó với nhau nhiều hơn và cộng đồng người Việt Nam ở Lào luôn luôn ghi nhớ trong lòng là người con của đất Việt".
Đối với người Việt Nam ở khắp thế giới nói chung và ở Lào nói riêng, những ngôi chùa Việt không chỉ là nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa tâm linh của người Việt, mà còn là nơi quy tụ để bà con cùng đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và cùng nhau hướng về Tổ quốc.
Phật tử Trần Thị Tuyết Anh cho biết: "Mỗi lần nhà chùa tổ chức tụng kinh tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước thì tôi cũng tham gia và nhiều lần cũng đi cùng các thầy đến Xamneua (Lào) - nơi bộ đội Việt Nam hy sinh tại đó để tụng kinh cầu siêu".
Có thể nói các hoạt động từ thiện xã hội gắn với các hoạt động của các ngôi chùa Việt tại Lào có ý nghĩa quan trọng trong công tác sinh hoạt cộng đồng. Tạo tiền đề cho sự phối hợp gắn kết cộng đồng Phật giáo và dân tộc.
Phật tử Nguyễn Thị Loan chia sẻ: "Bất cứ khi nào nhà chùa cần sự giúp đỡ, chị em chúng tôi cũng lên chùa để giúp thầy, giúp công việc của chùa. Chúng tôi rất vui, thấy trong tâm nhẹ nhàng. Chúng tôi cũng mong muốn làm công quả, gặp bạn bè và làm công đức trên chùa".
Để người Việt tại Lào có được sự tự do trong hoạt động tôn giáo hướng về quê hương, không thể không nhắc tới sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào, các tổ chức hội đoàn trong cộng đồng người Việt tại Lào vẫn luôn có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ sở tôn giáo của người Việt tại Lào trong tổ chức các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cho cộng đồng.
Bà Vũ Tú Oanh, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam phụ trách sinh hoạt cộng đồng tại Lào cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đang phối hợp Ban Tôn giáo Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam để tiếp tục cử chức sắc Phật giáo sang trụ trì lâu dài tại các chùa Việt để hướng dẫn bà con sinh hoạt tôn giáo. Ngoài ra, còn tạo điều kiện để kiều bào được tham gia các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong nước như: mời kiều bào về dự Đại lễ Phật Đản, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và các Lễ hội khác. Đồng thời, phối hợp với các Thượng Tọa trụ trì chùa, tăng ni tại các chùa Việt và các Hội người Việt Nam trong việc gắn kết hoạt động văn hóa tâm linh tại các ngôi chùa Việt với hoạt động phong trào của cộng đồng người Việt tại Lào nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Lào vững mạnh, hướng về quê hương đất nước.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính Phủ cho biết, Lào là một đất nước rất thân thuộc với Việt Nam, do vậy Ban Tôn giáo Chính Phủ cũng như Bộ Nội vụ rất quan tâm đến công tác tôn giáo của kiều bào tại Lào và thường xuyên cử cán bộ sang Lào để tổ chức các lớp học nhằm giúp cộng đồng kiều bào được tiếp cận nhiều hơn trong mối tương quan về tôn giáo giữa Việt Nam và Lào.
Việt Nam và Lào đã ký kết các chương trình, trong đó có nội dung đảm bảo sinh hoạt tôn giáo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ở Lào. Chúng tôi cũng thường xuyên làm việc với các bên tổ chức tôn giáo mà có tín đồ của chúng ta ở Lào nhằm hỗ trợ cho cộng đồng Việt Nam, kiều bào tại Lào trong hoạt động tôn giáo.
Những năm qua những ngôi chùa Việt Nam tại Lào vẫn đang làm tốt sứ mệnh của mình – là cầu nối để những người Việt Nam tại Lào luôn hướng về quê hương Tổ quốc, là keo sơn gắn kết tình hữu nghị cộng đồng giữa Việt Nam và Lào./.