Bảo tồn di sản văn hóa tại TPHCM chưa xứng tầm, còn bị buông xuôi về mặt quản lý và thiếu đầu tư cho nguồn nhân lực. Đó là thực trạng được đại biểu phản ánh tại phiên thảo luận tại hội trường, kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa 9.
Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua dự thảo giám sát chuyên đề “Việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM”.(ảnh: tphcm.chinhphu.vn) |
TPHCM hiện có 15 bảo vật quốc gia được Thủ tướng công nhận và nhiều di tích quý giá khác. Thế nhưng nhiều câu chuyện cho thấy năng lực bảo tồn di tích của TPHCM vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Phản ánh một thực tế từ Đình Nam Tiến ở Phường 6 – Quận 4, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết, gần 30 năm qua, với 5 nhiệm kỳ Chủ tịch phường đã liên tục có kiến nghị Sở Văn hóa và UBND TPHCM có giải pháp về Đình Nam Tiến, nơi đây vốn là nơi thờ sắc phong của vua Minh Mạng nhưng bây giờ chỉ còn là khu đất trống.
Nếu phục dựng lại thì rất khó khăn vì không còn lưu giữ di tích nào. Địa phương đã nhiều lần đề nghị cấp trên cho chủ trương xây dựng thành trường mẫu giáo hoặc nơi vui chơi văn hóa cho nhân dân tại chỗ nhưng không có câu trả lời.
Bà Châu cho rằng đây là một sự lãng phí, nếu thực sự phục dựng thì đảm bảo kiến trúc cũ để mời gọi du khách tham quan và nhân dân thờ phụng. Còn nếu không thực hiện thì chuyển đổi công trình công cộng.
"Đất ở TPHCM mà sử dụng như vậy thì rất lãng phí. Phải có giải pháp thực sự phù hợp với từng địa phương, gắn vào cụ thể. Còn nói tổng quát thì nó chưa sát với tình hình bảo quản, bảo tồn di sản tại TPHCM" - bà Tô Thị Bích Châu cho biết.Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố cho rằng, trong thời gian vừa qua TPHCM khá lúng túng trong công tác quản lý di sản, gần như buông xuôi như di sản. Điển hình như di sản của học giả Vương Ngọc Sển, Nguyễn Đình Đầu hay giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê…
Do sự hiểu biết có hạn chế, quản lý chưa vào nề nếp để lại niềm xót xa về cách hành xử đối với báu vật, không chỉ riêng của thành phố mà còn là của quốc gia. Thời gian qua, Ban Tuyên giáo nhận được nhiều đơn kiến nghị lãnh đạo thành phố quan tâm đến đội ngũ làm công tác di sản.
"Ngoài việc cần tham vấn, đưa Hội di sản trở thành một tổ chức Hội cần được lưu dụng để phát huy cho việc bảo tồn kiến trúc, bảo tồn di sản, thì việc xã hội hóa trong vấn đề trùng tu bảo tồn khá cần thiết" - ông Phan Nguyễn Như Khuê nêu rõ.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, hiện nay các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị có phần bị biến dạng, biến mất hoặc đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình đô thị hóa, sức ép về tăng dân số, áp lực về quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Việc vận động các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý các công trình, địa điểm trong danh mục lập hồ sơ xếp hạng di tích còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TPHCM, hàng năm Ủy ban đã cấp cho Sở khoảng 10 tỷ để mua các hiện vật trên địa bàn cho 7 bảo tàng công lập. Như vậy về phía Sở, các bảo tàng đã vận động, mời gọi để mua các hiện vật có giá trị cho các bảo tàng. Ngoài ra công tác vận động các tổ chức các cá nhân hiến tặng.Đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM cho biết, Sở đã đề xuất đến UBND TPHCM, cần bảo tồn các biệt thự chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, đối với các công trình, địa điểm đang nằm trong danh mục kiểm kê di tích thì khó vận động chủ sở hữu xếp hạng di tích vì các chủ sở hữu sợ bị hạn chế nhiều quyền lợi….Tại cuộc họp, các đại biểu thông qua dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn Thành phố”. Sáng 9/12, kỳ họp HĐND TPHCM sẽ tiếp tục làm việc với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đăng đàn trả lời chất vấn xung quanh vấn đề an ninh trật tự và môi trường./.UNESCO đồng hành cùng Việt Nam trong công tác bảo tồn di sản
Gìn giữ, phát huy di sản dân ca xứ Lạng