Ngày 5/5, Bộ VH-TT&DL cùng 9 tỉnh khu vực Trung bộ tổ chức lễ đón bằng UNESCO công nhận nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là cơ hội để chính quyền và cộng đồng chung sức bảo tồn, phát huy nghệ thuật Bài Chòi, làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Nghệ thuật Bài Chòi ra đời từ dân gian, nói tiếng nói của dân gian, chủ yếu phục vụ tầng lớp bình dân và được chính người dân kế thừa, phát triển trở thành một loại hình sân khấu ca kịch dân gian đặc sắc của khu vực Trung bộ.

vov__2__hnxw_lgrt.jpg
Nghệ thuật Bài Chòi sẽ đón bằng của UNESCO vào ngày 5/5, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Bài Chòi như mạch nước ngầm

Cụ bà Lê Thị Đào ở xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn nổi tiếng với nghệ danh Minh Trạng, được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Bà có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, là nghệ nhân trình diễn Bài Chòi chiếu hiếm hoi còn lại ở tỉnh Bình Định. Đã ngoài tuổi 90, chợt quên, chợt nhớ nhưng bà Đào vẫn thuộc những câu hô, điệu hát Bài Chòi mỗi khi bật ra đều ngọt ngào, êm dịu.

Trải qua hàng trăm năm, lúc thăng, lúc trầm, nhưng nghệ thuật Bài Chòi như mạch nước ngầm, luôn hiện diện trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bình Định. Người Bình Định thuộc lòng câu ca: “Rủ nhau đi đánh Bài Chòi/ Để con nó khóc mà lòi rún ra” hay “Thà rằng ăn mắm mút dòi/ Cũng nghe Bài Chòi cho sướng cái tai”...

Trong nghệ thuật Bài Chòi, thơ ca, âm nhạc, ngôn ngữ, phong tục, lối sống được chuyển tải một cách mộc mạc, tự nhiên, tạo sức hấp dẫn với công chúng. Rất nhiều tục ngữ, ca dao, bài vè…được biến tấu, diễn tả sinh động mọi cảnh đời, từ tình yêu đôi lứa đến những khúc mắc nhân tình thế thái, tạo nên sự riêng biệt của Bài Chòi. Với người dân Bình Định nói riêng, người dân các tỉnh Trung bộ nói chung, Bài Chòi đã trở thành một phần hồn cốt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần. Những người Bình Định xa quê, mỗi khi được nghe giọng hô, hát, tài ứng đối và lối diễn trò của “Hiệu”, như được trở về  quê mẹ, ở cạnh người thân trong gia đình. Chị Nguyễn Trương Như Quỳnh, một người con đất võ hiện sống ở quận Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ: “Mỗi khi tham gia lễ hội Bài Chòi, tôi rất vui và cảm thấy nhớ quê hương”.

Hiện nay, vẫn còn nhiều luồng ý kiến về nguồn gốc ra đời của nghệ thuật Bài Chòi. Nhưng điểm chung nhất đó là Bài Chòi ra đời từ dân gian, nói tiếng nói của dân gian, chủ yếu phục vụ tầng lớp bình dân và được người dân kế thừa, phát triển không ngừng theo năm tháng. Ông Nguyễn Kiểm, nguyên Trưởng đoàn Dân ca kịch Bài Chòi Bình Định cho rằng: “Bài Chòi là do người dân thôn quê sáng tác và truyền miệng. Không có dân gìn giữ thì Bài Chòi đã mất từ lâu rồi”.

Về Hội An vui hội Bài Chòi

VOV.VN - Với những giá trị văn hóa đặc sắc, Bài Chòi vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Mở ra cơ hội mới

Những năm gần đây, phong trào chơi Bài Chòi, hội Bài Chòi diễn ra quanh năm, từ thành thị đến nông thôn, tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Và khi nghệ thuật Bài Chòi chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã mở ra cơ hội mới cho chính quyền và người dân phát huy nhiều hơn nữa giá trị môn nghệ thuật dân gian này trong đời sống văn hóa tinh thần. Tại tỉnh Bình Định, việc bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật Bài Chòi được tỉnh đặt ra từ lâu. Theo đó, có 7 nhiệm vụ, giải pháp tập trung bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này như: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn những giá trị tiêu biểu của hát bội, Bài Chòi; truyền dạy nghệ thuật hát bội, Bài Chòi trong cộng đồng và trường học...

Cách đây hơn 1 tuần, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Văn hóa thành phố Quy Nhơn tổ chức hội thi diễn xướng Bài Chòi dân gian cho học sinh THCS thu hút hàng trăm em học sinh tham gia. Nhiều cô, cậu học trò lần đầu thử sức với vai trò anh Hiệu (người hô, hát chính), được biết các con bài Ông Ầm, Học trò, Tứ Cẳng, Bạch Huê, Chín Gối, Sáu Ghe, Ba Gà, Tứ Tượng… tỏ ra rất thích thú. Em Lê Phương Hoàng Diệu chia sẻ: “Mới đầu em chưa hiểu thì thấy không hay nhưng qua quá trình tập, em hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật này thì thấy rất hay. Cách biểu diễn Bài Chòi đơn giản chứ không quá khó. Em thấy nên tạo ra những sân chơi như thế này để cho chúng em biết về văn hóa truyền thống”.

Theo ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định, tỉnh nên có chính sách hỗ trợ các khu vực nông thôn duy trì sinh hoạt Bài Chòi trong làng xã.

Thực tế, mấy năm gần đây, nghệ thuật Bài Chòi không những phục vụ nhân dân mà còn thu hút nhiều du khách đến tham gia, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng./.

Ngày Xuân về Hội An vui hội Bài Chòi

VOV.VN - Bài Chòi là một trò chơi dân gian, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư các tỉnh miền Trung thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán.