Hà Nội đẹp. Một đô thị đẹp nhất khu vực và là một trong số những địa danh đáng đến nhất hành tinh.
Đó không phải ý kiến chúng ta mà là cảm nhận của bạn bè quốc tế, trong số đó có đại gia văn học, truyền thông hay nhà lữ hành từng đặt chân tới nhiều nơi.
Nhiều người đã tái hiện ấn tượng của họ về Hà Nội qua tác phẩm. Xin đừng nghĩ họ làm vì... xã giao. Đúng là cũng có vị từng tung những câu bay bổng nhất ngợi ca Hà Nội thành phố chủ nhà khi khách và chủ tưng bừng cạn chén, tuy nhiên họ đủ bản lĩnh để không cho lọt những lời phù phiếm vào tác phẩm của mình. Họ đã nói, đã viết là thật lòng ngợi ca cái đẹp Hà Nội chúng ta.
Cá nhân tôi, một chàng trai nhà quê thứ thiệt từ gió Lào cát trắng gặp Hà Nội một ngày bảng lãng heo may và bỗng dưng trở thành cư dân Hà Nội từ bấy đến nay. Lần đầu tôi nhìn thấy Hà Nội bằng mắt chứ không phải qua những trang văn nằm lòng từ tuổi thiếu niên, tạo cái nền sâu vững cho tình yêu Hà Nội trong cậu bé nhà quê.
Ấy là ngày 10-10-1954, ta tiếp quản thủ đô sau chín năm kháng chiến trường kỳ.
Cư dân thủ đô bất kỳ nước nào cũng đều do người tứ chiếng qui tụ mà thành. Tính cách người thủ đô được chưng cất từ trí tuệ, tài năng, tay nghề, sản vật, ẩm thực, tập quán của người đến từ mọi nơi đất nước.
Tuy nhiên, một khi tính cách người thủ đô định hình thì tự nó vượt trội, vững bền và có sức lan tỏa, từ đây nó sẽ tiếp thu có chọn lọc hơn những gì các nơi đóng góp, nó có sức cưỡng đối với những thứ ngược với tinh hoa đã thành truyền thống. Tính cách thủ đô, được sự hỗ trợ của luật và lệ, đòi hỏi cư dân nơi khác đến phải thật sự hội nhập với ý nghĩa trọn vẹn của hai từ ấy, và như vậy có nghĩa là chấp nhận từ bỏ một số nếp nghĩ và thói quen cố hữu. Có lần tôi hỏi một anh bạn người Paris, phải định cư bao lâu bên sông Seine để được người khác coi mình là parisien chính hiệu? - Bảy năm, anh đáp. Tôi không tin. Chỉ ngần ấy thôi sao? Hay bảy năm là một quy định hành chính? Theo cung cách ấy, hóa ra tôi đã là dân Hà Thành từ bao giờ?
Đêm đầu tiên của tôi tại Hà Nội là... nhà thương Đồn Thuỷ, dưới rừng lá xà cừ và bàng cổ thụ.
Quân đội Pháp vừa rút khỏi đây mấy ngày. Cơ quan báo Nhân Dân tạm trú trong khi chờ tìm được nơi thích đáng làm trụ sở. Tôi là lính mới. Anh Quang Đạm là lão binh. Anh kể: "Cậu Tường giao thông (Ma Văn Tường) vừa được ra xem phố xá cho quen đường. Cậu than: "Đường sá rối rắm thế này tôi đến lạc mất thôi. Không làm giao thông ở đây được. Về quê thôi". Chính cậu Tường ấy - anh Quang Đạm nói tiếp - hồi ở chiến khu có lần được giao nhiệm vụ đưa nhà khoa học Trần Đại Nghĩa đến một cơ quan nọ. Đi suốt buổi sáng trong cây, đến một khoảnh rừng thưa, cậu chỉ làn khói mơ hồ bốc lên đằng xa, rất xa sau bao nhiêu là cây núi chập chùng và thưa: "Bác theo hướng khói kia mà đi, chốc nữa là đến". Nhà bác học băn khoăn: "Có nhìn thấy đường nào đâu? Tôi đến lạc mất thôi". Tường ta quả quyết: "Lạc thế nào được, thưa bác. Không có đường thì vạch lá tìm đường. Đã nhìn thấy hướng kia, lạc làm sao được, thưa bác!". Cậu thanh niên ấy giờ sợ lạc giữa ba mươi sáu phố phường. Và nhà báo - học giả bình: "Trí thông minh của con người rốt cuộc do môi trường, điều kiện tạo nên thôi".
Thực tế Hà Nội sáu mươi năm về trước đâu có lớn, có rộng bao nhiêu so với riêng nội thành Hà Nội ngày nay.
Những ngày chủ nhật đầu tiên tại thủ đô, tôi lên chiếc xe đạp cà tàng chưa kịp lắp lại đôi gác-đơ-bu bị tháo bỏ để bùn khỏi làm kẹt bánh xe khi đi vào các ngõ xóm lầy lội vùng quê, đi tham quan Hà Nội. Trước hết, những địa danh ngưỡng mộ từ hồi còn bé qua sách giáo khoa. Hồ Gươm, Trúc Bạch, Hồ Tây đây rồi. Trở lại: Thiền Quang, Bảy Mẫu, Ba Mẫu... Đến cuối phố Huế tôi dừng xe hỏi bà hàng nước trên hè: "Thưa cụ, từ đây đến hồ Ba Mẫu đi lối nào?" - "Đi nốt khúc đường nhựa, rẽ phải là anh đến nơi".
Tôi làm theo lời. Đến lúc không ngồi trên yên được nữa, xuống dắt xe lội bộ khá xa vẫn chưa thấy hồ đâu. - "Bác làm ơn chỉ giúp cho lối đến hồ". - "Hồ đó, trước mặt anh", một người đàn ông đang lúi húi sửa cái sọt nan không buồn ngẩng đầu đáp.
Hồ? Ngao ngán bèo tây và bèo tây. Mênh mang đồng bèo tây, hoa bèo tím ngát im phăng phắc vì ken chặt vào nhau mà tôi cứ mường tượng như đang dập dờn đùa với gió thu, bởi còn đậm ấn tượng trong đầu sóng nước Hồ Tây.
Thơ thẩn tôi đếm các phố tên có chữ Hàng. Hàng Nón, Hàng Tiện, Hàng Than, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Cót... - "Hàng Lọng ở đâu, thưa bác?" - "Anh đến ga Hàng Cỏ".
Trước ga Hàng Cỏ, sững sờ nhìn tấm biển phố đề tên De Lattre de Tassigny, viên tướng bốn sao tổng tư lệnh quân đội Pháp thua trận qua đời vài năm trước, người ta bảo vì uất ức khổ đau cậu quý tử bỏ mạng tại xứ này, chính quyền ta chưa kịp tháo gỡ để thay bằng cái tên Nam Bộ sâu lắng trong tim người Hà Nội và mọi người Việt Nam ta thời ấy. Tôi tìm phố Khâm Thiên, không phải hoài niệm cái đài khí tượng chưa có trong hiểu biết của mình mà đơn giản muốn biết cái gì nơi đây mà nằm lâu vậy trong văn thơ nhạc Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Văn Thương...
Phảng phất trong không gian đẫm buốt sương đêm đông ấy mùi khói hương trầm lẫn khét lẹt chưa tan mùi đạn bom Mỹ, mùi máu người dân bị vùi lấp, một thứ mùi kỳ lạ sẽ đeo đẳng tôi nhiều kể cả sau khi đã chuyển nhà...
Hà Nội ta đã thăng trầm như thế trong một đời người.
Hà Nội ngày nay, riêng nội thành đã rộng gấp mấy Hà Thành của tôi thời ấy. Tôi tin, trong mấy triệu cư dân Hà Nội, kể cả những vị chào đời trên đất Thăng Long, không nhiều lắm những người có dịp nhìn toàn cảnh thủ đô ta, ngoại trừ qua phim ảnh. Thân thuộc nhất, thoải mái nhất và cũng bức bối hơn cả mỗi lần bị kẹt giao thông vẫn là lối đi quen ta ngày ngày từ nhà tới nơi làm việc và ngược lại. Ngoài mấy trục chính như Cầu Giấy - Phạm Văn Đồng - Nội Bài, cầu Chương Dương sang Gia Lâm, cầu mới Vĩnh Tuy tiếp nối đường Nguyễn Văn Linh xuôi về đất cảng, và trục Bắc Nam Lê Duẩn - Giải Phóng nối quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh vào tận Cà Mau Đất Mũi, ngoài mấy trục lộ chính ấy, chắc chẳng mấy ai có dịp thăm thú cảnh quan nhiều nơi khác. Tôi mặc cảm mình chưa là người Hà Nội còn bởi lẽ, mỗi lần có việc đến một nào đó trong Hà Nội trên những con phố mới dài thẳng thoáng, thỉnh thoảng tôi lại phải hỏi anh lái xe: “Phố gì đây, hả cậu?”.
Dĩ nhiên, ai cũng biết to rộng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với đẹp với xinh mà nhiều khi đối nghịch nhưng đô thị phải đủ rộng mới có thể tự thân phát triển. Nhìn những tòa nhà ngất ngưỡng phô cái sáng sủa, cái ngạo nghễ, ngay hàng thẳng lối của chúng dưới mặt trời Hà Nội, và chẳng phải không hay biết gì về những vấn đề cư dân các nơi đó đang đối mặt, lòng tôi vẫn không nén được tự hào - tự hào Hà Nội ta thay đổi nhanh, tự hào mình là dân Hà Nội lâu năm mặc cho giọng nói nặng vùng quê còn đó bất chấp tháng ngày. Ồ, Hà Nội của ta ngày nay, về diện mạo đâu có thua kém quá xa nhiều nơi khác.
Nhiều bạn nước ngoài không tiếc lời ngợi ca cái đẹp cái hồn cảnh quan Hà Nội, cái lịch sự ý tứ con người Hà Nội, họ chọn Việt Nam hay Hà Nội nói riêng làm nơi sinh sống lâu dài, họ đã chân thành góp ý với chúng ta về những việc chưa hài lòng, những điều họ nghĩ đáng cho ta quan tâm.
Cách đây khá lâu, thời bắt đầu đổi mới, tín hiệu khởi sắc đã rõ dù đất nước còn đối mặt muôn vàn khó khăn, một lần tôi sang London công tác, có dịp làm quen một nghị sĩ trẻ tên là Chris Mullin, thuộc cánh tả Công đảng Anh. Ông là ký giả chuyên nghiệp từng làm việc cho nhiều tờ báo lớn như Daily Mirror, Tribune, Sunday Magazine... Cũng có viết tiểu thuyết, vừa cho xuất bản tác phẩm nhan đề tạm dịch Người cuối cùng rời khỏi Sài Gòn (The Last Man Out of Saigon).
Mấy năm sau, có việc sang châu Âu, tôi “ăn Tết” ta tại London, được dự buổi đại sứ quán ta vui tất niên với kiều bào. Lại gặp Chris Mullin. Năm ấy London rét lắm. Các hè phố, đặc biệt công viên Hyde Park phủ tràn tuyết trắng. Ông đi cùng vợ, đẩy chiếc xe nôi chở cháu gái đầu lòng mang hai dòng máu Anh và Việt ủ dưới đống chăn dày. Chris vừa sang Việt Nam về, anh hứa sẽ gửi cho tôi đọc một số bài mới viết.
Bài của anh đăng trên tuần báo The Observer Magazine số ra ngày 19-1-1994 dưới chuyên mục mang cái tên hiền lành: “Chuyện của những người lữ hành” song đầu đề giật gân: Liệu cuộc oanh tạc của bê tông có vượt lên máy bay B52 Mỹ mà huỷ diệt Hà Nội?
Tác giả viết: “Hà Nội là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Có khoảng hai mươi hồ, những con đường rợp hàng me, nhiều vila sang trọng và tòa nhà nguy nga. Mấy chục năm chiến tranh và nền kinh tế rập theo mô hình Stalin làm Hà Nội trì trệ nhưng không bị phá huỷ. Trong khi Bangkok, Đài Bắc, Manila trở thành những đô thị ô nhiễm nặng nề thì Hà Nội tồn tại gần như nguyên vẹn. Các nhà lãnh đạo Việt Nam có lẽ đã nhận thấy sai lầm của cả nước láng giềng. Họ không cho phép lặp lại sự huỷ diệt thành phố cổ như tại Bangkok, Manila hay Los Angeles. Tuy nhiên trên thực tế đó là điều đang diễn ra. Người Hà Nội sau nhiều năm mệt mỏi vì nghèo nàn, lạc hậu hào hứng đón chào thị trường tự do. Mấy năm qua, mức sống của người Việt Nam tăng đáng kể. Hinh như mọi sự đổi mới trên đời đều đi từ thái cực này sang thái cực kia. Cơn sốt bê tông đã xuất hiện ở Hà Nội (…) Thành phố Hồ Chí Minh với dân số khoảng sáu triệu người, đầu những năm 1980 khi tôi đến đây chỉ thấy toàn xe đạp, nay xe Honda được nhập với nhịp độ kinh hoàng 75.000 chiếc/tháng, chưa tính xe nhập lậu. Nếu đến cuối thế kỷ này một phần mười số xe máy ấy đổi thành xe hơi thì ác mộng Bangkok đến…
Hà Nội ít nhất cho đến nay (khoảng 1993) vẫn còn khu phố cổ nguyên vẹn nhưng thời gian đang phá huỷ nó. Được biết Viện Quy hoạch Đô thị có lên một kế hoạch phát triển nhịp nhàng Hà Nội, trình UNESCO đã hai năm song không hề nhận hồi âm. Tuy nhiên, cái thiếu hơn cả không phải tài chính mà là thiếu ý chí chính trị. Sự xuất hiện ngày càng nhiều xe hơi tư nhân ở phố cổ có thể là bước khởi đầu tốt. Kiểm soát nghiêm ngặt những ngôi nhà mới xây là một điều tốt hơn cần thực hiện. Nếu có ý chí chính trị, chắc không khó tìm ra viện trợ nước ngoài”.
“Trớ trêu thay, một đất nước từng đau khổ nhiều bởi những kẻ tham tàn ngoại quốc mà họ đã phải trả giá cao để chiến thắng, hiện đang thua cuộc về văn hóa” - bài báo kết luận.
(Ông Chris Mullin tiếp tục tham gia nghị trường Anh 5 khóa, đến năm 2010 mới tuyên bố không ra ứng cử. Ông cũng có mấy lần tham gia chính phủ do Tony Blair làm thủ tướng).
Anh Đào Duy Tùng hồi ấy là Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư bảo tôi nên gửi cho mấy anh lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội cùng xem…
Một câu chuyện khác gần cùng thời gian. Một đoàn doanh nhân Mỹ tới Việt Nam tìm hiểu thị trường. Tham gia đoàn, với danh nghĩa không chính thức, có một nghị sĩ thế lực, nghe nói là Chủ tịch Uỷ ban Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ. Tôi có dự bữa cơm thân ta mời riêng ông và người phụ tá tại một nhà hàng tư nhân ở Hà Nội. “Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế của Hoa Kỳ” - ai đó phát biểu. Vị chính khách Mỹ: “Vâng, Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi hoan nghênh và đề nghị quý vị nên tham khảo cả kinh nghiệm thành công và kinh nghiệm không thành công của Mỹ”.
Mọi người lắng tai. Ông nói tiếp: “Như vấn đề giao thông đô thị chẳng hạn. Hôm nay, tôi đã mất khá nhiều thời gian để từ khách sạn đến đây để được dự cuộc gặp mặt tuyệt vời cùng các vị. Tại Mỹ, vấn đề vận tải công cộng được đặt ra rất sớm, và nhà nước chúng tôi liên tục đầu tư vào đó khoản ngân sách khổng lồ. Đồng thời, do lợi ích khác nhau, ngành công nghiệp xe hơi cùng lúc chạy đua sản xuất và cải tiến, cải tiến và sản xuất, ào ạt tung xe con ra thị trường, mà mục tiêu cải tiến hàng đầu là tiện nghi và tốc độ bất chấp giá cả. Hợp với tính người Mỹ chúng tôi. Báo chí, truyền thông quảng cáo hết mức. Các kiểu xe con đời mới, ngồi lên xe bấm nút chỉ mấy giây sau đã đạt tốc độ trên trăm kilômét/giờ. Vậy là hằng năm nhà nước và xã hội tốn khoản tiền rất lớn xử lý tai nạn giao thông và hậu giao thông. Một nghịch lý nữa xuất hiện. Đi đôi với tốn rất nhiều tiền xây dựng, nâng cấp đường sá và sản xuất xe tốc độ cao, chúng tôi buộc phải cắm biển báo hạn chế tốc độ trên mọi nẻo đường. Từ đó ra đời một dịch vụ mới tinh vi và tốn kém là kiểm tra, xử phạt thật nặng lái xe vượt quá tốc độ quy định. Các phương tiện vận tải công cộng thì sao? Vẫn phát triển, ngày càng tiện nghi và hằng năm ngân sách tiếp tục khoản chi bù lỗ càng lớn, bởi số hành khách sử dụng phương tiện chung chẳng bao giờ được như mong muốn. Đã hình thành một tập quán xã hội ở người Mỹ chúng tôi: chuyển dịch bằng xe riêng là tiện lợi nhất, thoải mái nhất, sang trọng nhất. Công nghệ dễ dàng đổi thay trong khi tập quán xã hội có sức ỳ của nó...”
Cái khó của nội thành Hà Nội, hay đúng hơn của Hà Nội truyền thống vốn dĩ là không gian chật hẹp và mật độ dân cư cao, nay cộng thêm “tập quán xã hội mới” của người Việt Nam. Chắc không phải ngẫu nhiên mà một số nước đang phát triển như Brasil trước đây và Myanmar hiện nay chọn phương án xây dựng thủ đô mới ở nơi khác. Nhiều thuận tiện đấy cho quy hoạch và xây dựng, song chấp nhận bỏ đi nhiều nét đẹp cổ truyền. Chúng ta đã và đang cố gắng xử lý bài toán khó: làm sao kết nối, kết nối với nghĩa vật chất và nghĩa văn hóa, để hài hòa nội đô cổ truyền với không gian mở rộng. Nói dễ làm khó, chuyện muôn đời. Tuần trước, các báo đưa tin các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều chậm tiến độ, đội kinh phí, có cái gấp đôi so với dự toán ban đầu. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kết luận, các dự án ấy “lớn mà chưa có thông lệ ở Việt Nam” (báo Hà Nội mới), và “đã đến lúc phải chấn chỉnh yếu kém, đẩy nhanh tiến độ” (báo Người lao động Tp. Hồ Chí Minh).
Thủ đô Hà Nội mở rộng thật sự đàng hoàng hơn, to đẹp hơn ngày trước. Ba mươi năm qua, chúng ta đã bảo tòn, phát huy nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có những cái sắp tiêu vong nếu không được sự can thiệp kịp thời, và cũng khó tránh những cái âm thầm biến mất do sự thờ ơ vô cảm của những người chung quanh. Làm sao còn vẹn nguyên Hà Nội xưa cho Thạch Lam nhâm nhi, Vũ Bằng thương nhớ, Nguyễn Tuân nhéch mép mà ngợi ca “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”. Dân các nơi về Hà Nội chưa có hộ khẩu và chưa đăng ký ngày càng đông. Còn lại bao nhiêu phần trăm cư dân Hà Nội người gốc Tràng An thuở nào? Tôi đã sống tại Hà Nội, đã chính thức là công dân thủ đô sáu thập niên, một khoảng thời gian không ngắn so với đời người, nhưng làm sao tôi có thể là người Tràng An đích thực!
Cách đây 30 năm, nhà văn Bỉ Jacques Danois cảm nhận: Hà Nội là biểu tượng cả nước Việt Nam. Tất cả mọi thứ ở đây đều cổ kính, có thể hơi rách nát đấy nhưng được mọi người xiết bao trân trọng, và chúng mới trong sáng, mới chân thực, mới Việt Nam làm sao. Chỉ cần đi vào chợ và nhìn vào đôi mắt những người phụ nữ. Sức mạnh của họ bắt nguồn từ ý chí làm sao nuôi được gia đình, chăm sóc con cháu, họ hàng, bà con. Ý chí thay thế sinh tố và thuốc bổ cần cho họ. Người Hà Nội dắt cháu ra Bờ Hồ xem trăng trung thu, ông nội chỉ mặt trăng dưới hồ bảo cháu: Mặt trăng muốn tự ngắm nó kia nhưng chỉ chúng ta mới có thể ngắm trăng thôi. Cháu muốn bắt mặt trăng chớ có nhảy xuống hồ mà hãy tìm cách bay lên trời. Người Hà Nội cho trẻ ăn quả vải, quả nhãn mùa hè không dọa đứa nào ăn quả nuốt luôn cả hạt rồi sẽ phải mổ bụng ra mà lấy. Người ta khuyên các cháu ăn từ tốn, để còn lấy cái hạt làm viên bi hay xếp đồ chơi...(2)
Hồn Hà Nội cổ truyền còn đó. Cuộc sống tất yếu đi lên hiện đại. Quá khứ càng dày, ta càng cảm nhận được sự phong phú của hiện tại và vững tin hơn vào tương lai. Thế nhưng con người đâu chỉ sống bằng hoài niệm. Trân trọng gìn giữ cái xưa rất cần, cái cần nữa và cần hơn là xây dựng cái mới sao cho thật sự “đàng hoàng”. Chung quy vẫn là câu chuyện bảo tồn và phát huy, không chỉ bảo tồn mỗi khi cần bàn về di sản, mà bảo tồn và phát triển mọi lĩnh vực của cuộc sống hằng ngày, như một sự nối tiếp tất yếu cân bằng, nhịp nhàng, không gián đoạn.
Một sự trùng hợp đẹp. Đêm trung thu năm Giáp Ngọ này, năm Hà Nội kỷ niệm 60 năm lập lại hòa bình, tôi có anh bạn Hà Nội đến chơi biếu túi quà, cầm trên tay đã thấy thơm lựng mùi sen.
Anh chàng miền quê chưa thành niên đã vào kháng chiến, tôi đâu có hiểu biết nhiều về nghệ thuật ẩm thực. Cho dù rồi cũng có dịp đi đó đi đây, cũng từng ngưu ẩm những thứ như trà Long Tỉnh Hàng Châu, trà Ô Long Vân Nam làm nên thương hiệu Trung Hoa danh trà, hay đặc sản Đài Loan truyền thống mà vẫn có hương vị riêng quyện khí núi cao vào hơi gió biển trà lục địa không sao có được, cả mạt trà(trà vụn) thắm màu lục đậm hoàng gia được nâng niu trong bộ đồ sứ tuyệt vời theo lễ nghi Trà Đạo Nhật Bản, dù vậy, mỗi lần nghĩ đến trà trong tôi rốt cuộc lại là bát nước chè xanh đậm tình quê Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An…, chủ nhà ân cần mời nước người khách lữ hành không quen dừng chân trước ngõ nhà mình. Chè xanh nước chát xin mời, nước non non nước nghĩa người chớ quên.
Hương vị trà sen Hồ Tây nhắc tôi hãy nhớ mình đã là dân cố đô Thăng Long, là công dân Hà Nội thành phố hòa bình, chớ có dị ứng trước những ngôi chùa cổ được tân trang lộng lẫy, đừng mãi chê bai những điều chưa ưng ý trong cuộc sống thường ngày mà lãng quên cái lớn cái đẹp cái hay trong hồn Hà Nội. Cứ tha hồ lưu luyến gốc gác của anh đi, nhưng phải thật lòng góp chút gì đó cùng giữ giữ, phát huy cốt cách, tinh hoa Hà Nội nó cũng là cốt cách, tinh hoa văn hóa Việt Nam./.