Tại Hội nghị mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội của TP HCM diễn ra ngày 15/9, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, một trong các giải pháp xây dựng đô thị thông minh là ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo để xử lý, lưu trữ thông tin đạt hiệu quả cao.

Mục tiêu của Đề án Đô thị thông minh là giúp thành phố phát triển kinh tế nhanh và bền vững, góp phần giải quyết những vấn đề tắc nghẽn, kéo dài gây bức xúc như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường sống…, tăng cường khả năng tương tác xây dựng và phát triển thành phố giữa chính quyền đối với doanh nghiệp và người dân.

hcm_ville_xcvc.jpg
Một trong các giải pháp xây dựng đô thị thông minh là ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ dữ liệu lớn. (Ảnh minh họa: KT)

Để thực hiện được mục tiêu trên, thành phố xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn cho toàn thành phố được số hóa hoàn toàn; Xây dựng một công ty an ninh thông tin thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này; Xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội giúp thành phố điều hành thông minh các vấn đề về an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn, giải quyết an ninh trật tự xã hội từ xa và giúp thành phố mô phỏng, dự báo kinh tế - xã hội cho tầm nhìn xa một cách chính xác.

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM cho biết, 2 trung tâm điều hành và dự báo giúp thành phố ưu tiên lựa chọn các chức năng giải quyết tốt các vấn đề nóng cho nhu cầu của người dân, chạy thử mô hình và chuẩn hóa quy trình vận hành, thực hiện đánh giá định kỳ và cải tiến liên tục giải pháp, quy trình vận hành.

“Chúng tôi hy vọng tạo được một thị trường cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các lĩnh vực có liên quan cùng tham gia với thành phố xây dựng đô thị thông minh. Hy vọng rằng sẽ huy động được đầy đủ các nguồn lực khác ngoài nguồn lực của Nhà nước để thực hiện đề án phức tạp này”, ông Dương Anh Đức cho biết.

Về giải pháp tổng thể xây dựng đô thị thông minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, có 3 nhóm giải pháp lớn. Trước hết, đó chính quyền trách nhiệm, chính quyền thông minh, chính quyền làm việc hiệu quả. Nghĩa là các bước ra quyết định của chính quyền phải được hoàn thiện, nâng cao chất lượng.

Thứ hai, xây dựng môi trường để thực hiện sự tương tác giữa 4 chủ thể là chính quyền, người dân, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo để góp phần làm cho quá trình tiếp nhận thông tin, lưu trữ thông tin, xử lý thông tin ngày càng hiệu quả cao.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Nhà nước phải đầu tư hình thành cơ sở dữ liệu tích hợp mở ở cả thành phố cho 4 chủ thể khai thác như: dữ liệu về dân cư, kinh tế, giáo dục, giao thông. Nhiệm vụ thành phố phải thực hiện là hình thành trung tâm điều hành, quản lý nhà nước gồm điều hành của thành phố, của các sở và quận huyện, phường xã.

“Nhiệm vụ thứ hai của Nhà nước là phải làm công tác dự báo, công tác này phục vụ cho cấp thành phố, sở ngành và quận huyện. TP. HCM dự kiến mô phỏng kẹt xe là mô phỏng đầu tiên, thứ hai là mô phỏng tăng trưởng kinh tế từ nay đến 2020, thứ ba là mô phỏng ngập nước của thành phố”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho hay.

Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ cho thành phố trong việc xây dựng đô thị thông minh. Các tham luận của đại biểu đóng góp thêm tầm nhìn và các nguyên tắc tiên quyết cho thành phố trong định hướng việc lựa chọn các giải pháp mang tính đồng bộ, phù hợp nền tảng công nghệ của đề án làm cơ sở triển khai, hoàn thành việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 2 trung tâm trên./.