Chiều 8/11, Hội đồng Nhân dân TP HCM tổ chức Hội nghị chuyên đề góp ý đề án “Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2025”. Các đại biểu đánh giá công tác chuẩn bị đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh được thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học và khả thi, đúng thời điểm.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung đề nghị ban điều hành đề án lưu ý 8 vấn đề trọng tâm. Cụ thể là chú trọng công tác điều tra xã hội học và đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo nhân dân, làm cho người dân thấy mình là trung tâm của đô thị thông minh, có được chất lượng sống tốt hơn, được phục vụ tốt hơn, tham gia giám sát vào quá trình xây dựng.

image001_huva.jpg
TP HCM đang chuẩn bị đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh. (Ảnh minh họa: KT)
Chú trọng sự đồng bộ, liên kết đối với các cơ quan trung ương; vấn đề tương thích sử dụng các thiết bị thông minh; lưu ý về sự đặc thù và đa dạng về điều kiện sống ở thành phố; sự kết nối mở rộng; chú trọng sự phân công, phân cấp trong quá trình triển khai đề án, không chỉ dừng lại ở hoạt động của ban điều hành mà còn có trách nhiệm, phân cấp ở các địa phương; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, sử dựng nguồn nhân lực trong nước trên nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật có sẵn và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá để tiến tới đạt được tiêu chuẩn thành phố có chất lượng sống tốt.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Trí, đề án cần lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm, các vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến đời sống xã hội được nhiều người dân quan tâm, ví dụ như vấn đề giao thông, ngập nước, quá tải tại các bệnh viện để triển khai thực hiện ưu tiên…

Hiện nay, có nhiều dự án công nghệ thông tin của các bộ, ngành đang được triển khai, vì vậy cần có sự phối hợp để liên thông, kết nối, làm cơ sở cho hạ tầng đủ mạnh. Từ đó có sự đồng bộ, giảm bớt các thủ tục, góp phần giảm quá tải.

Theo đại biểu Tăng Hữu Phong, cần quan tâm hơn đến nhận thức của người dân về thành phố thông minh, đánh giá được vai trò của người dân trong việc tham gia vào thành phố thông minh như thế nào. Hiện nay, nhận thức của người dân tiến bộ nhưng không phải tất cả mọi người đều sử dụng được công nghệ thông tin.

“Dù áp dụng mạnh mẽ đề án này vào đời sống nhưng sẽ có 1 bộ phận người dân không tương thích được với đề án đô thị thông minh. Lúc đó, việc tổ chức phục vụ của các cơ quan công quyền đối với nhóm dân cư này như thế nào cần phải được tính toán”, ông Phong nói.

Tổng hợp các ý kiến từ đại biểu, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, đề án là tổng thể nhiều công đoạn. Đề án là mang tính kỹ thuật, công nghệ, sẽ có sự thay đổi liên tục nhưng bản chất là sự tương tác ngày càng mạnh mẽ giữa chính quyền với người dân, với doanh nghiệp, giữa người dân với người dân; thể hiện chính quyền của dân, do dân, chính quyền phục vụ. Vì vậy, thành phố tiếp tục ghi nhận nhiều đóng góp cho đề án.

Ông Tuyến nhấn mạnh, TP HCM là đô thị đặc biệt với 13 triệu dân, vì vậy, vấn đề về giao thông, hạ tầng đô thị, bệnh viện, trường học không chỉ riêng của thành phố mà là của tập hợp nhiều cư dân ở đây, người dân của cả nước.

Thành phố có lợi thế về nguồn lao động chất lương cao gấp 3,3 lần cả nước, số lượng doanh nghiệp cũng chiếm 34% cả nước… nên phải đổi mới sáng tạo, đi đầu trong việc xây dựng đô thị thông minh, cần phải có những giải pháp phát triển thành phố.

Theo ông Tuyến, khi xây dựng đề án này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế rất lớn vì không chỉ là một giải pháp tổng thể phát triển thành phố mà nó còn là thị trường rất lớn, đặc biệt là thị trường công. “Hiện nay mình đang khép kín. Vấn đề quản lý nước, điện hiện mình đang độc quyền thì cần phải thay đổi. Đó không chỉ là một giải pháp mà còn là một tiềm năng phát triển thành phố trong tương lai”, ông Tuyến chia sẻ.

Sau hội nghị này, vấn đề góp ý cho đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh cũng sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại kỳ họp HĐND TP HCM vào tháng 12 tới./.