UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết: Để đáp ứng các yêu cầu của một đô thị thông minh, sẽ tập trung đầu tư cho giáo dục nhằm tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân thông minh thực thụ.

vov_tin_tp_thong_minh_mbvq.jpg
Ông Nguyễn Thành Phong: Muốn có những công dân thông minh thì phải dựa trên nền tảng giáo dục thật tốt.
Đầu tư phát triển giáo dục – đào tạo và sàng lọc, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao từ nhiều năm qua vẫn luôn là mục tiêu được TP.HCM đặt lên hàng đầu.

Điều này thể hiện rõ ở những đề xuất đổi mới đột phá, những sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm và sự quan tâm của thành phố cho lĩnh vực “trồng người”.

Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng mỗi năm, TP.HCM đều bố trí khoảng 11,7% tổng chi đầu tư, tương đương 3.400 tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo, đó là chưa kể chi thường xuyên.

Không chỉ đầu tư xây dựng trường lớp, bổ sung trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục, TP.HCM còn mạnh dạn đầu tư cho những đề án, đề tài nghiên cứu hướng đến việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của thành phố trong tương lai.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nói: “Việc xây dựng đô thị thông minh sẽ không thành công nếu không có những công dân thông minh. Muốn có những công dân thông minh thì phải dựa trên nền tảng giáo dục thật tốt.

Cho nên, việc đầu tư cho giáo dục, quan tâm phát triển các đề án, chuyên đề, lắng nghe ý kiến của đội ngũ thầy cô giáo, các nhà khoa học cho vấn đề phát triển giáo dục là đòi hỏi mà TP.HCM sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới”.

Nền tảng giáo dục đã và đang được TP.HCM quyết liệt triển khai thông qua nhiều đề án, chương trình tiên tiến trên cơ sở giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Xác định việc nâng cao chuẩn đào tạo, đặc biệt là lĩnh vực ngoại ngữ và khoa học công nghệ cho học sinh, sinh viên là yêu cầu cấp thiết, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều mô hình đổi mới sát với nhu cầu thực tế. Mới đây,

UBND TP.HCM đã phê duyệt đề cương Đề án Phát triển tổng thể giáo dục - đào tạo TPHCM đến năm 2030.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM cho rằng theo hướng phát triển này, thành phố sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tự tin và năng động: “Những nội dung chúng tôi cập nhật về công tác kiểm tra, đánh giá, tổ chức giảng dạy hay thực hiện các liên môn như thế nào, cải tiến việc tổ chức giảng dạy tại các cơ sở ra làm sao đều nằm chung trong đề án này. Nếu được chính thức phê duyệt thì đây là một điều kiện rất tốt”.

Hàng loạt giải pháp đổi mới được triển khai liên tục đang góp phần hoàn thiện hệ thống giáo dục phổ thông của một đô thị được xếp hạng năng động nhất nước như TPHCM.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM, còn một nguồn lực khác mà thành phố không thể bỏ quên nếu muốn đào tạo nguồn nhân lực mang tính cạnh tranh cao với các quốc gia tiên tiến. Đó chính là chất xám của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, giảng viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học.

Hơn 13.000 giáo sư, tiến sĩ của các trường đại học, cao đẳng với rất nhiều hướng nghiên cứu chất lượng sẽ là kênh hỗ trợ, tư vấn, là địa chỉ đặt hàng đáng tin cậy cho kế hoạch phát triển, hội nhập của một đô thị thông minh. Do vậy, việc đầu tư cho hệ thống giáo dục đại học là cần thiết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong lý giải: “Có thể đó là trường đại học trực thuộc Trung ương, trực thuộc các bộ ngành hay trực thuộc TP.HCM nhưng thành phố đối với các trường đại học cần có sự quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ những cơ chế đầu tư để cho họ phát triển. Điều đơn giản là các trường đóng ở đâu thì khi họ phát triển, địa phương đó sẽ nhận về lợi ích”.

Với chính sách đào tạo và thu hút, giữ chân nhân tài, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM cho rằng: “Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM tạo ra một môi trường đào tạo tốt là điều cần thiết. Nhưng để tìm được những nhân tài thì riêng Sở Giáo dục – Đào tạo sẽ không làm được mà các sở ngành khác phải chủ động phối hợp. Sau đào tạo, chúng ta phải có chính sách gì để thu hút, để các em có môi trường phát huy”.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu hội nhập là mục tiêu đào tạo của ngành giáo dục TP.HCM trong giai đoạn hiện nay. Với lộ trình đã vạch ra từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố cần thêm các cơ chế riêng để tiên phong trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục – đào tạo. Khi được tạo điều kiện tốt nhất để áp dụng các mô hình, sáng kiến mới, thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt mục tiêu đã đề ra./.