Sáng 25/10, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị Quốc tế về thành phố thông minh, với sự tham gia của hơn 450 đại biểu đến từ các bộ, ngành và các chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài… Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu khai mạc.

Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, tốc độ phát triển đô thị của thành phố vẫn còn chậm và khoảng cách “hiện đại hóa đô thị” so với các thành phố lớn trong khu vực vẫn còn khiêm tốn.

unnamed_ocba.jpg
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị Quốc tế về thành phố thông minh.
Vì vậy, việc triển khai xây dựng đô thị thông minh đóng vai trò là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ thúc đẩy thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách với các thành phố khác trong khu vực.

Trong những năm gần đây, cộng hưởng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, số lượng các thành phố, quốc gia triển khai xây dựng đô thị thông minh ngày càng tăng như Singapore, Ấn Độ, các nước EU… TP HCM không nằm ngoài xu hướng tiếp cận này.

Chính vì thế, Đề án Xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh được xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thành phố.

Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, muốn thực hiện được đô thị thông minh phải ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển đô thị một cách hiệu quả hơn, như dân số đô thị tăng; hạ tầng lạc hậu, quá tải; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng...

Đặc biệt, việc quản lý thành phố lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo, phải thấy trước vấn đề khó khăn của thành phố và ngăn chặn không để xảy ra, tránh ách tắc, đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay thành phố chỉ mới giải quyết được tình huống, chưa dự báo được những tình huống có thể xảy ra trong tương lai để phòng tránh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, giải pháp quyết định cho một thành phố thông minh là công dân của thành phố phải là chủ thể của đô thị thông minh, cùng với đó là đánh giá của người dân, sự hài lòng của người dân về việc đô thị thông minh đã làm đến đâu.

“Xây dựng đô thị thông minh là 1 chiến lược “2 cánh”. Quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững là trách nhiệm của nhà quản lý để quy hoạch thành phố để phát triển bền vững. Cánh thứ 2 là quản lý thông minh, quản lý các ngành, doanh nghiệp và công dân một cách thông minh. Tuy nhiên, cũng cần tùy thuộc vào từng địa phương để lựa chọn lĩnh vực nào trước hay sau”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ./.