Tại triển lãm, độc giả đã không chỉ có có cơ hội chiêm ngưỡng những ấn bản đầu tiên của hai tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục" và "Nam Hải dị nhân liệt truyện" mà còn được hiểu thêm về vẻ đẹp của truyền tích thông qua buổi giao lưu với hai họa sĩ Nguyễn Công Hoan, Tạ Huy Long và các khách mời là nhà nghiên cứu văn học phương Đông Trần Thị Băng Thanh và nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm.
Bộ đôi tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục" và "Nam Hải dị nhân liệt truyện" là hai cái tên nổi bật trong kho tàng văn học trung đại và cận đại Việt Nam. Với gần 400 tranh minh họa tỉ mỉ và kì công, hai họa sĩ Nguyễn Công Hoan và Tạ Huy Long đã tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho hai danh tác này.
"Truyền kỳ mạn lục" (tức Ghi chép tản mạn những truyện lạ) là tác phẩm duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ. Sách gồm 20 truyện, được viết theo thể loại truyền kỳ; cốt truyện chủ yếu lấy từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, sau đó biến tấu theo phong cách cá nhân của Nguyễn Dữ.
Được mệnh danh là “thiên cổ kỳ bút”, "Truyền kỳ mạn lục" phản ánh sâu sắc bức tranh hiện thực của một thời kì rối ren trong lịch sử Việt Nam. Thông qua các nhân vật kì ảo như thần tiên, ma quái, tinh loài vật, cây cỏ…, tác phẩm gửi gắm ý tưởng phê phán nền chính sự hỗn loạn, vua chúa hôn ám, bề tôi thoán đoạt; tệ nạn, cờ bạc, trộm cắp, tật dịch, ma quỷ hoành hành, khiến cuộc sống của người dân lương thiện phải chịu nhiều lầm than.
Thế giới Nguyễn Dữ xây dựng trong "Truyền kỳ mạn lục" vừa có thần tiên, vừa có con người, vừa chân thực mà cũng vô cùng huyền ảo. Khi xuyên qua lớp sương mù đượm chất truyền kì, ta sẽ thấy một thế giới chân thực được thêu dệt nên từ những chất liệu tuyệt diệu nhất – nỗi trăn trở về thời cuộc, tấm lòng trân trọng và ngợi ca những nhân cách thanh cao, cứng cỏi, những anh hùng cứu nước, giúp dân, không kể họ ở địa vị cao hay thấp.
Nếu yếu tố “kì” của Truyền kỳ mạn lục mang đến một lối thoát không hiện diện trong thế giới “thực” bế tắc, tăm tối, thì trong Nam Hải dị nhân liệt truyện, yếu tố này lại được sử dụng như một đòn bẩy để làm nổi bật tài năng của các nhân vật “thực”.
Ra đời sau "Truyền kỳ mạn lục" khoảng 4 thế kỉ, "Nam Hải dị nhân liệt truyện" cũng có sự kết hợp đầy ấn tượng giữa “kì” và “thực”. Cuốn sách tập hợp những câu chuyện kể về các “dị nhân” nước Nam, những người mà tên tuổi của họ gắn liền với điều khác thường (có hình dáng bất thường, có tài lạ, có sự tích huyền bí, kì quái...). Đây chính là yếu tố “kì” trong văn của Phan Kế Bính.
Yếu tố “thực” nằm ở các nhân vật trên từng trang sách. 55 câu chuyện là 55 nhân vật có thật trong lịch sử, chia thành tám nhóm: đại anh kiệt, danh thần, danh hiền, văn tài, mãnh tướng, vị thần linh ứng, vị tiên tích, người có danh tiếng. Đó là các bậc anh tài đất Việt như Bố Cái đại vương Phùng Hưng, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, danh nhân Nguyễn Trãi, văn tài Lê Quý Đôn,...
Dưới ngòi bút của Phan Kế Bính, các câu chuyện về họ hoà quyện giữa những chi tiết chính sử lẫn những yếu tố dã sử, tạo cho cuốn sách một không khí vừa chân thực, vừa li kì, hấp dẫn nhưng cũng không thiếu chuyện hoang đường, mê tín, vốn là một trong những đặc thù của văn hoá dân gian.
“Kì” và “thực” cũng là hai yếu tố nền tảng để khơi nguồn cảm hứng cho họa sĩ Nguyễn Công Hoan và họa sĩ Tạ Huy Long sáng tạo nên phiên bản minh họa mới của "Truyền kỳ mạn lục" và "Nam Hải dị nhân liệt truyện", với gần 400 tranh minh họa kì công, tỉ mỉ và được vẽ tay hoàn toàn.
"Truyền kỳ mạn lục" của họa sĩ Nguyễn Công Hoan mang đến những bức tranh giàu sức gợi và đầy mĩ cảm, với những gam màu và hình khối ma mị. Còn trong "Nam Hải dị nhân liệt truyện", họa sĩ Tạ Huy Long dẫn dắt người đọc đắm chìm trong dòng chảy mĩ thuật cổ Việt Nam – phong cách sở trường làm nên tên tuổi của anh, nhưng vẫn mang đậm hơi thở hiện đại.
Chia sẻ về quá trình sáng tác, hoạ sĩ Tạ Huy Long cho biết: "Đó là một hành trình, là cơ duyên để kết nối giữa ý tưởng, cách thể hiện, tìm ra nhịp điệu, tìm ra một cái phong vị cho tác phẩm hoàn chỉnh. Đối với tôi, lịch sử là ký ức đẹp, luôn có nhiều màu sắc của huyền thoại. Lịch sử là điều thôi thúc trong bản thể mình. Và khi gặp "Lĩnh Nam chích quái", với một cái tên hay như vậy, đánh thức mình như vậy thì tôi nghĩ làm sao phải thể hiện để những đứa trẻ có thể tiếp cận được. Sau "Lĩnh Nam chích quái" thì tôi vẽ "Nam Hải dị nhân liệt truyện". Tôi nghĩ đây có thể là sự tiếp nối cách thức thể hiện của "Lĩnh Nam", nhưng sau tôi bị bế tắch. Mỗi một câu chuyện phải có một số phận riêng, cách thức thể hiện riêng. Mất nhiều năm trời để tìm phong cách thể hiện cho nó, cũng phải trải qua đầy đủ cảm xúc mới có được một cách thể hiện như phiên bản ngày hôm nay.
Hoạ sĩ Nguyễn Công Hoan cho rằng sự kết hợp chặt chẽ giữa tranh minh họa và lời văn, bài thơ, ca, từ, biền văn, sẽ khơi mạch nguồn mới cho hồn sách cổ, giúp độc giả nhỏ tuổi cũng như các bậc phụ huynh có thể hiểu thêm về giá trị nghệ thuật và tư tưởng của Nguyễn Dữ và Phan Kế Bính trong hai tác phẩm.
Nhà nghiên cứu văn học phương Đông Trần Thị Băng Thanh đánh giá cao hai tác phẩm này bởi cách tiếp cận mới mẻ, khiến lịch sử, các câu chuyện truyền kỳ trở nên sống động thông qua các bản vẽ tranh minh hoạ. Bà cũng cho rằng đây là việc làm đáng hoan nghênh, đặc biệt khi có thông tin môn lịch sử sẽ không còn là môn bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh cho rằng việc loại bỏ môn lịch sử là một vấn đề rất đáng lo ngại. Nhiều năm qua, dù có cải tiến cách thức giảng dạy nhưng vẫn chưa tạo được động lực cho học sinh. Tuy nhiên, với việc minh hoạ các tác phẩm như thế này sẽ là một trong những cách thức tiếp cận mới, thôi thúc độc giả yêu thích và chủ động tìm hiểu lịch sử.
Ấn bản "Truyền kỳ mạn lục" và "Nam Hải dị nhân liệt truyện" được in trên khổ lớn, in màu toàn bộ trên chất giấy đẹp, đóng bìa cứng trang trọng. Với sự chỉn chu sáng tạo về hình thức mĩ thuật, cẩn thận kĩ lưỡng về mặt nội dung, bộ sách hứa hẹn mang đến một trải nghiệm ấn tượng cho người đọc, thổi một làn gió mới cho những tác phẩm giá trị tưởng chừng đã bị tro bụi thời gian làm khuất lấp.
Bên cạnh đó, triển lãm tranh minh hoạ hai tác phẩm sẽ được trưng bày tại trụ sở Nhà xuất bản Kim Đồng (Quang Trung, Hà Nội) từ ngày 23/4-7/5./.