Cảm xúc bị kìm nén sẽ “bùng nổ”
Theo Osho, con người không thể kìm nén cảm xúc - cách tiếp cận rất phổ biến và thường được đánh đồng với tính kỷ luật và trách nhiệm. Nén cơn giận và cố mỉm cười để giữ hình ảnh tốt đẹp, cố gạt qua nỗi buồn để bản thân “tích cực” hơn, người đàn ông không dám khóc lóc vì sợ bị cho là yếu đuối… Osho kịch liệt phản đối tất cả các kiểu kìm nén đó.
Tại sao việc đè nén cảm xúc tuyệt đối lại có hại? Osho lập luận rằng tâm trí con người bao hàm hai điều: cái đầu và trái tim. Suy nghĩ, logic được khởi sinh từ cái đầu, còn cảm xúc thì xuất phát từ trái tim. Khi bạn kìm nén, đè nén, hay kiểm soát cảm xúc, là cái đầu đang thắng thế trái tim, là bạn đang kìm nén một phần quan trọng của chính mình.
Theo vị đạo sư, khi bạn đè nén cảm xúc tiêu cực, cảm xúc đó chẳng thể biến mất. Nó chỉ bị “nhốt trong một căn hầm”, năng lượng bị áp chế sẽ hoà vào máu của cơ thể, tạo nên những sự xung đột giữa những tế bào. Và chẳng chóng thì chầy, theo cách này hoặc cách khác, những cảm xúc đó sẽ làm phiền bạn.
“Chúng sẽ trở thành những cơn ác mộng, những giấc mơ xấu xí khi đêm xuống, và vào ban ngày, chúng sẽ ảnh hưởng đến hành động của bạn”, Osho nói, “Mọi người tiếp tục tích lũy cơn giận của mình, tiếp tục đè nén cơn giận của mình, và rồi một ngày nào đó, lượng độc tố tích tụ trong mỗi người nhiều đến mức chúng bùng nổ thành ‘chiến tranh thế giới’”.
Nhưng nếu không kiểm soát, không kìm nén, thì chúng ta phải làm gì với những cảm xúc mãnh liệt đang dâng lên trong lòng đây? Cái đầu không thể áp chế trái tim, nhưng theo Osho, trái tim cũng chẳng thể trở thành người làm chủ hoàn toàn, bởi vì trái tim rất mù quáng và nguy hiểm. Nên bạn cũng chẳng thể bộc lộ hoàn toàn cơn giận từ trái tim để rồi từ đó gây hại cho mọi người xung quanh.
Hãy vượt lên trên và trở thành người quan sát
Để đối mặt một cách đúng đắn với những cảm xúc luôn biến thiên, không phải tuân theo cái đầu hay trái tim, mà Osho cho rằng bạn cần “vượt lên trên chúng”, tức vượt lên trên tất cả những gì thuộc về lý trí lẫn cảm xúc.
“Vượt lên trên” - có nghĩa rằng bạn tách ra để tạo nên một khoảng cách giữa bạn với tâm trí và trở thành người quan sát. Khi đó, bạn sẽ có đủ ý thức để thấy rằng mình không phải là cơn giận này, cũng không phải là nỗi sợ, nỗi buồn kia.
Theo vị đạo sư, một khi bạn trở thành người quan sát, có sự chứng kiến và đủ kiên nhẫn, mọi cảm xúc dù mãnh liệt tới đâu, cũng sẽ dần biến mất. “Hành động chứng kiến là một thanh gươm sắc bén: Nó cắt đứt suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc chỉ trong một nhát chém”, ông tuyên bố.
“Nếu bạn chỉ có 1% là người quan sát, vậy 99% còn lại là tâm trí. Nếu bạn có 10% là người quan sát, vậy 90% là tâm trí. Nếu bạn có 90% là người quan sát, vậy chỉ còn lại 10% cho tâm trí. Nếu bạn là người quan sát 100%, vậy thì không có tâm trí - không có nỗi buồn, cơn giận, sự ghen tuông - chỉ có sự sáng tỏ, tĩnh lặng và phúc lành”, Osho nói.
Càng về những phần sau của cuốn sách, bạn đọc càng nhận ra mình đang được dẫn dắt từ một chủ đề rất “đương đại” - cảm xúc, tâm lý của con người - để trở về với chủ đề cốt lõi của tâm linh, điều những bậc thầy và các nhà thần bí đã nói tới từ cổ chí kim - sự tỉnh thức và con đường dẫn đến sự tỉnh thức, tức thiền định. Ta cũng sẽ nhận ra rằng thiền và tỉnh thức chính là sợi dây cố định quý giá của “vòng hoa cuộc đời”, là câu trả lời cho câu hỏi mà Osho đặt ra từ ban đầu.
Định nghĩa về thiền định của Osho rất đơn giản, nó chỉ là hành trình giúp con người vượt lên trên tâm trí, tách bạch khỏi suy nghĩ và cảm xúc của mình. “Mục tiêu của tôi là làm cho hành trình ở đây trở nên đơn giản nhất có thể”, ông nói, “Hãy tìm chỉ một nguyên tắc phù hợp với bạn, nguyên tắc mà bạn cảm thấy đồng điệu với nó, và như vậy thôi là đủ rồi”.
Osho đã dành phần lớn đời mình để hiện thực hóa cho mục tiêu này, phát triển và truyền bá phương pháp thiền động dễ tiếp thu, dành cho những người có các khuynh hướng khác nhau. Phần cuối của “Cảm xúc” chứa một danh sách các cách thiền tập đa dạng và phá cách để bạn đọc tham khảo, như: chạm vào mặt đất, ôm cây, đánh nhau với cái gối của bạn, hay nhảy múa như điên...
“Cảm xúc” cung cấp những hiểu biết mới và hiệu quả, giúp chúng ta hiểu tường tận gốc rễ của cảm xúc, từ đó phản ứng với các tình huống theo cách có lợi cho bản thân và cho người khác, đồng thời ứng phó với những thăng trầm của cuộc sống bằng một thái độ tự tin và cân bằng hơn.
Giữa những tựa sách cùng chủ đề, “Cảm xúc” của Osho có lẽ là cuốn sách táo bạo mà cũng hài hước nhất mà bạn có thể tìm thấy. Nó chứa đầy những câu chuyện từ cổ xưa đến hiện đại, có thật hoặc không, mà hễ khi đọc đến là người ta sẽ không ngừng cười khúc khích. Ngôn từ bay bổng, lối diễn đạt giàu hình ảnh và hài hước, táo bạo của Osho là điều ta ít thấy ở các triết gia quá nghiêm túc ngày xưa lẫn các cây viết khoa học quá an toàn ngày nay.
Trên hết, hành trình của bạn với “Cảm xúc” sẽ không dừng lại ở việc chuyển hóa cảm xúc tiêu cực, mà còn hướng bạn đến sự tỉnh thức và trưởng thành về mặt tâm linh. Từ đây, bạn sẽ biết cách thêm ánh sáng tĩnh lặng vào cuộc đời nhiều thử thách và còn muôn trùng biến hoá của chính mình./.
Osho là bậc đạo sư gây tranh cãi bậc nhất, đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất. Tờ Sunday Times của London mô tả Osho là một trong 1.000 người kiến tạo của thế kỷ 20. Còn tờ Sunday Midday của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong 10 người, cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh của Ấn Độ. Sách của ông đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới.
Osho được biết đến với những đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực chuyển hóa nội tâm thông qua thiền định. Phương pháp thiền chủ động của Osho giúp giải tỏa căng thẳng cho thân và tâm, giúp mọi người dễ dàng trải nghiệm sự an nhiên, tĩnh tại.
Những tựa sách cùng bộ của Osho đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ bạn đọc quốc tế và trong nước mà độc giả có thể tìm đọc thêm như “Yêu – Yêu trong tỉnh thức, gắn bó trong niềm tin” và “Hiểu – Đường đến tự do”.