Bộ phim “I care a lot” (Người giám hộ hoàn hảo) là tác phẩm tâm lý – giật gân mới nhất của đạo diễn J Blakeson. Phim đánh dấu sự trở lại ấn tượng của ngôi sao “Gone girl” Rosamund Pike và nam tài tử “Game of Thrones” Peter Dinklage.

Lấy cảm hứng từ bộ phim “The Wolf of Wall Street” của đạo diễn Martin Scorsese, “I care a lot” là một vở hài kịch sâu cay, giễu nhại hệ thống y tế và pháp luật của nước Mỹ. Ở đó, Rosamund Pike khắc hoạ chân dung Marla Grayson, một kẻ phản diện vượt trội với vẻ ngoài người phụ nữ thành đạt, nụ cười thân thiện thường trực trên môi, che đậy bản chất thực dụng, lươn lẹo, tàn nhẫn đến vô đạo đức.

Marla là người giám hộ chuyên nghiệp, được tòa án chỉ định đại diện và quản lý tài chính cho hàng chục người lớn tuổi. Hội tụ đủ sự thông minh, táo bạo và gian xảo, cô ta đã lợi dụng kẽ hở của hệ thống pháp luật, cấu kết với các bác sĩ, thêu dệt đủ những lý do để đẩy người già vào viện dưỡng lão. Nhờ thế cô ta đã lạm dụng và chiếm giữ tài sản, tiền bạc của những người cao tuổi bằng các mánh khóe và công cụ hợp pháp để làm giàu cho chính mình. Marla kiếm tiền trong sự ca tụng của mọi người. 

Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Marla không ngờ “con cừu” tiếp theo mà cô nhắm tới, Jennifer Peterson (Dianne Wiest) lại có liên hệ mật thiết với trùm mafia người Nga Roman Lunyov (Peter Dinklage).

Trong suốt 118 phút, “I care a lot” đặt người xem vào cuộc chiến thực dụng, khốc liệt; cuộc đối đầu giữa những kẻ ác, giữa sự vô đạo đức và phi luật pháp trong xã hội Mỹ. Khán giả phân vân không biết nên đứng về phía ai, Marla Grayson, hay Roman Lunyov. Cả hai nhân vật này được xây dựng hoàn hảo để tố cáo, lên án xã hội quá coi trọng vật chất, bị chi phối bởi ma lực đồng tiền. 

Marla Grayson khiến người xem “ghét cay ghét đắng” bởi thói ngạo mạn, ngông cuồng, tàn nhẫn, không từ bất cứ thủ đoạn nào để giam cầm những người già neo đơn trong  “nhà tù nụ cười” trong những ngày cuối đời của họ. Tiền bạc khiến cô ta điên cuồng, đạp lên mọi giá trị đạo đức để đạt được mục đích, thậm chí bỏ ngoài tai lời can ngăn của người tình đồng giới.

Grayson lao vào một cuộc chiến không cân sức với kẻ thù bằng bản năng của “kẻ săn mồi”, của một con “sư tử cái”. Điều mà Marla luôn tự hào về bản thân. "Làm gì có người tốt? Tôi cũng từng như bạn, cứ ngồi đó nghĩ rằng làm việc chăm chỉ và công bằng sẽ dẫn đến thành công và hạnh phúc. Công bằng là một trò đùa, do người giàu nghĩ ra để ta mãi nghèo. Thế giới này có hai loại người: kẻ được và kẻ mất. Kẻ săn mồi và con mồi. Sư tử và cừu. Và tôi nhất định phải là sư tử cái”. Từng lời thoại đều thể hiện rõ bản tính tham lam, máu lạnh của Grayson. 

Kẻ thù tiến đến một bước thì cô nàng sẵn sàng đáp trả lại gấp đôi, gấp ba. Niềm tin của Marla vào bản thân có vẻ sai trái, nhưng nó bắt đầu từ nhận thức của cô rằng thế giới được thiết kế để khiến phụ nữ phải lùi bước. “Nếu bạn không thể thuyết phục một người phụ nữ làm những gì bạn muốn thì bạn gọi cô ấy là đồ khốn và dọa giết cô ấy”. Người xem bị thu hút bởi sự lì đòn, dũng cảm, bản lĩnh của Grayson. Kể cả khi đối mặt với gã trùm mafia có thể giết cô trong tích tắc, cô vẫn không hề sợ hãi. Mối ác cảm của người xem dần trở thành sự ngưỡng mộ những người phụ nữ thông minh đến đáng sợ.

Diễn xuất lạnh lùng, châm biếm và đầy quyến rũ của Rosamund Pike khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình. Chính màn thể hiện xuất sắc này đã mang đến cho nữ diễn viên 42 tuổi đề cử Quả cầu Vàng 2021 ở hạng mục “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” cho thể loại phim âm nhạc/hài kịch. Nếu không phải Rosamund Pike, người đã thành công khắc hoạ những người phụ nữ thông minh đến đáng sợ như Amy của “Gone girl” sẽ không có một Marla gian xảo, khó ưa nhưng vô cùng lôi cuốn trong từng khung hình. 

Sự kiên cường của Marla Grayson cũng không thể làm nhoà đi nhận thức về công lý và đạo đức của khán giả. Họ chẳng thể đồng cảm với nhân vật này nhưng cũng không thể đứng chung chiến tuyến với kẻ thù của cô. Roman Lunyov xuất hiện để đẩy nhanh mạch phim đến cao trào, tạo cảm giác hồi hộp, kích thích. Tuy nhiên, quá tập trung xây dựng Grayson, J.Blakeson lại để lỡ mất khả năng diễn xuất phong phú của Peter Dinklage. Ngôi sao “Games of Thrones” có thể mang đến nét quyến rũ của sự lừa lọc cho nhân vật Roman Lunyov, khiến cuộc chiến trở nên khó lường hơn.

Nhìn chung “I care a lot” là tác phẩm giải trí đột phá với sự tươi mới trong cách đặt vấn đề, xây dựng kịch bản sáng tạo theo chân một nhân vật hoàn toàn phản diện. Kỹ thuật quay, dựng và sử dụng âm thanh khéo léo làm nổi bật tính giật gân của phim. Những góc máy cận, tĩnh trong phân đoạn đối thoại 1-1 mang đến hiệu ứng kể chuyện thuyết phục, cũng như lột tả bản chất nhân vật rõ nét ẩn sau sự khiêm tốn giả tạo. Bảng màu tươi sáng của nhà quay phim Doug Emmett lấy cảm hứng từ các tủ thuốc của Damien Hirst là sự bổ sung hoàn hảo cho tác phẩm châm biếm hệ thống y tế, an sinh của nước Mỹ. Đạo diễn J Blakeson cho biết những việc này có xảy ra ngoài đời thật. Nhưng mục đích của anh khi thực hiện bộ phim không phải là để vạch trần mô hình lừa đảo của những người giám hộ mà chỉ muốn nó trở thành ví dụ cho khán giả. 

Đáng tiếc là phim lại quá an toàn và không duy trì được sự nhất quán trong cách triển khai từ đầu phim. Nếu Netflix và Blakeson đủ dũng cảm để nhấn mạnh gấp đôi thông điệp về sự xuống cấp đạo đức trong cuộc sống hiện đại, thì "I care a lot" sẽ ấn tượng hơn. Một điềm báo cho xã hội nước Mỹ khi những kẻ ác bắt tay với nhau để thao túng, xây dựng một đế chế lừa đảo, “siêu lợi nhuận”. Dĩ nhiên cái kết như vậy sẽ không hài lòng bất kì khán giả nào nên cách xử lý có phần “giáo điều”, truyền thống của J.Blakeson trở nên hợp lý hơn cả. 

Báo New York Times đưa “I care a lot” vào danh sách phim đáng xem và nhận xét đây là: "Một bộ phim kịch tính hấp dẫn đến bất ngờ đan xen giữa hài kịch và giật gân, "I care a lot" được viết kịch bản khéo léo với dàn diễn viên tuyệt vời...". Hiện "I care a lot" đang nằm trong top những bộ phim được xem nhiều nhất trên nền tảng Netflix ở nhiều quốc gia./.