Ngay khi vòng thi Giấu mặt kết thúc, một cuộc tranh cãi đã nổ ra sau 4 tập của chương trình The Voice (Giọng hát Việt 2012). Bởi lẽ, có đến 2/3 thí sinh được chọn vào vòng thi Đối đầu chọn các ca khúc tiếng Anh để thuyết phục 4 vị huấn luyện viên quay lại chọn mình.

Vấn đề tranh cãi chủ yếu xoay quanh: Tại sao giọng hát Việt không chọn ca khúc Việt để hát? Các thí sinh hát tiếng Anh “ngọng”, liệu người nước ngoài có hiểu và quan trọng hơn, thí sinh có hiểu ca khúc đó không?

Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế. Ngày nay, không khó để bắt gặp các bạn trẻ giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài trên đường phố, các dịch vụ công cộng, các quán café… tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Thế hệ trẻ, mới mẻ và năng động, ít nhiều hội nhập với văn hóa phương Tây bằng những trào lưu văn hóa, nghệ thuật khác nhau.

Âm nhạc cũng vậy. Nhiều nhạc sĩ Việt Nam cũng thừa nhận, khi sáng tác một ca khúc bằng tiếng Việt họ có tham khảo một vài chất liệu từ âm nhạc quốc tế mà họ thích.

Ngay trong giới trẻ, cũng đã hình thành những cộng đồng mê nhạc Âu, Mỹ. Các ca sĩ trẻ luôn tìm tòi học hỏi từ lối hát, âm sắc của nhiều ca sĩ quốc tế đã thành danh như Beyonce, Mariah Carey… Hay thậm chí những dòng âm nhạc không mấy phổ biến tại Việt Nam như Blues, Funky từ các ca sĩ Duffy, Alicia Keys…

baoanh.jpg

Nguyễn Hoài Bảo Anh được gọi là "Taylor Swift của Việt Nam"

Chương trình “The Voice” phiên bản Việt không yêu cầu các thí sinh phải hát bằng tiếng Việt; nên khi chọn 1 ca khúc để dự thi, hẳn thí sinh phải quyết định chọn ca khúc có thể phô diễn được hết cá tính cũng như khả năng của mình.

Ngoài những ca khúc phổ biến, có thể thấy, trong cuộc thi, một số thí sinh hát những ca khúc khá lạ lẫm khiến Đàm Vĩnh Hưng phải thốt lên là “ca khúc gì kì cục vậy”. Nếu tìm trong kho ca khúc Việt Nam, sẽ cực kì khó có những ca khúc “kì cục” tương ứng để cho những thí sinh như Đinh Hương, Dũng Hà, Phương Linh, Thảo Nguyên, Mai Anh… thể hiện được hết năng lực, cũng như cá tính của mình.

Còn, nếu không xét về khía cạnh ngôn ngữ mà nghe âm nhạc với cảm xúc đóng vai trò chính thì hát tiếng Anh đơn thuần chỉ là sự lựa chọn, phù hợp hay không phù hợp, đối với các thí sinh tham dự Giọng hát Việt.

Xung quanh vấn đề các thí sinh hát tiếng Anh có chuẩn hay không, anh David (27 tuổi, Wicousin, Mỹ), khách du lịch tại Hà Nội cho biết: “Với những ca khúc phổ biến thì dù thí sinh không phát âm chuẩn, người nghe vẫn sẽ hiểu họ hát gì. Ở Mỹ, nhiều thí sinh cover khiến bài hát có yếu tố khác và lạ. Còn các thí sinh Việt thì có một số hát làm sao cho giống bản gốc; thậm chí, nhái cả giọng hát. Tuy vậy, tôi không phản đối việc các thí sinh hát tiếng Anh. Đó cũng là 1 trải nghiệm khá lạ lẫm, như tôi đang học hát 1 bài Việt Nam vậy”.

Mọi tranh cãi, chỉ nổ ra khi có những ý kiến cực đoan hoặc mất cân bằng mọi thứ. Có thể, chương trình “Giọng hát Việt” đang mất cân bằng, khiến nhạc Việt lép vế và… sẽ khiến nhiều khán giả không vừa lòng. Đó cũng là vấn đề mà BTC chương trình nên xem xét, cân nhắc và có giải pháp hợp lý hơn. Hát tiếng Anh chỉ tốt khi thí sinh phải hiểu; phải học hỏi, lao động, tìm tòi để sáng tạo thành “đặc sản”.

Song song, nếu chọn những ca khúc tiếng Anh “độc, quái, lạ” mà ở Việt Nam khó có thì sẽ dễ dàng chấp nhận. Còn nếu chọn những ca khúc dễ nghe, dễ thuộc và không nhiều màu sắc mới lạ, thì thà chọn một ca khúc Việt Nam có màu sắc tương tự như vậy còn hơn.

Cuộc thi “The Voice” phiên bản Mỹ có rất nhiều ca khúc của các ca sĩ nổi tiếng nhưng đều được làm mới lại, nghe rất lạ tai và hấp dẫn. Còn ở Việt Nam, như David nhận xét, nhiều người hát rập khuôn và không mới mẻ.

Còn nhớ ở chương trình Vietnam Idol năm 2006, quán quân Phương Vy đã thể hiện ca khúc “60 năm cuộc đời” theo phong cách Blues và thành công vang dội. Nếu chê các ca khúc Việt Nam cũ, thiếu hấp dẫn và không mới mẻ, sao không dám thử sáng tạo cái mới trên cái cũ? Một “vườn hoa đa sắc” hài hòa phải chăng sẽ dễ chấp nhận hơn? Hay, các thí sinh chúng ta lười… sáng tạo?/.