Ngày 15/1 tại ba đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh và Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội thời gian qua, đồng thời đề ra những giải pháp hiệu quả để công tác quản lý, tổ chức lễ hội đi vào nề nếp trong thời gian tới.

img_4958_dazr.jpgHội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian khoảng 7.000 lễ hội (chiếm 90%). Hoạt động lễ hội diễn ra sôi nổi trên khắp các địa phương trong cả nước, đa dạng về loại hình, nội dung lễ hội phong phú, hình thức hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách.

Những năm gần đây, tính đến năm 2014, việc tổ chức hoạt động lễ hội đã hạn chế nhiều tiêu cực như: cờ bạc, đốt đồ mã, thắp hương, gài giắt tiền, đổi tiền mệnh giá nhỏ, vệ sinh môi trường, dịch vụ… đã đi vào nề nếp chuyển biến rõ nét. Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý sai phạm trong hoạt động lễ hội ở địa phương đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, ở nhiều lễ hội vẫn còn một số hiện tượng không đẹp như chen lấn, xô đẩy nhau, mê tín dị đoan, vẫn còn dịch vụ đổi tiền lẻ, hiện tượng gài tiền vào tay tượng, Phật, rải tiền, cài đặt tiền tùy tiện trong di tích, quy hoạch hàng quán dịch vụ trong khu vực lễ hội và di tích chưa được kịp thời chú trọng…

Hiện tượng chen lấn, xô đẩy ở lễ hội Khai ấn đền Trần. Ảnh: Quang Trung

Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL, nguyên nhân của những hạn chế một phần là do ở một số địa phương, ban tổ chức lễ hội làm việc tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa hiệu quả, sự phối hợp giữa các tiểu ban chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, một số người dân cùng một bộ phận du khách rất thiếu ý thức khi tham gia lễ hội.

Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VHTT&DL, cũng cho rằng sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có nơi còn thiếu chặt chẽ, phối hợp chưa đồng bộ. Công tác tuyên truyền, giới thiệu về lễ hội, về di tích, về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội còn đơn điệu, chưa phong phú về nội dung hình thức. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa xử lý nghiêm và triệt để, các chế tài chưa đủ sức răn đe.

Năm 2015 sẽ diễn ra nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước với quy mô lớn, thời gian nghỉ Tết, nghỉ ngày lễ lớn khá dài, bởi vậy các điểm di tích và lễ hội sẽ thu hút đông người tham gia hơn.

Trong năm 2015, Bộ VHTT&DL sẽ chủ trì xây dựng và tham mưu với Chính phủ ban hành Quy chế về công tác quản lý, tổ chức lễ hội để kịp thời điều chỉnh hoạt động lễ hội, đặc biệt là các loại hình lễ hội mới; tăng cường công tác khảo sát, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quản lý Nhà nước về cưới, tang, lễ hội. Rà soát, giảm tần xuất các lễ hội có quy mô lớn; thường xuyên hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ văn hóa, thể thao và du lịch về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Để giải quyết triệt để tình trạng tiêu cực xảy ra trong các lễ hội, Bộ VHTT&DL đề nghị, cần sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền địa phương với các cơ quan, ban, ngành Trung ương, các ngành chức năng và lực lượng tại chỗ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Sở Văn hóa, lãnh đạo BQL di tích tiếp tục chấn chỉnh các tổ chức và cá nhận liên quan đến hoạt động lễ hội, tín ngưỡng thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc sử dụng và lưu thông đồng tiền Việt Nam./.