Sau tết Nguyên đán Giáp Ngọ, đã có nhiều lễ hội diễn ra ở các địa phương. Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, vẫn còn một số tồn tại diễn ra trong lễ hội gây ra nhiều hệ lụy xấu, phiền lòng du khách, không phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
lehoi1.jpg
Người dân chen nhau "cướp" đồ thờ tại Lễ khai ấn Đền Trần 2014 (Ảnh: Quang Trung)
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn yêu cầu Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện gấp một số nội dung.

Các địa phương chỉ đạo việc tổ chức lễ hội theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển các hình thức, sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các lễ hội. Phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh tại các khu du lịch, các lễ hội. Xây dựng và tuyên truyền văn hóa lễ hội, văn hóa tín ngưỡng; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội.

Thực hiện nghiêm việc không sử dụng ngân sách nhà nước vào việc tổ chức lễ hội; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm trong tổ chức lễ hội. Lãnh đạo, cán bộ, công chức chấp hành nghiêm việc không sử dụng giờ hành chính và xe công đi lễ hội, trừ các trường hợp thực thi nhiệm vụ theo chức trách được phân công.

Thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản số: 4449/BVHTTDL-TTr ngày 5/12/2013 của Bộ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014; Số 25/BVHTTDL-VHCS ngày 7/1/2014 của Bộ về việc quản lý sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng.

Sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng (Ảnh: Quang Trung)

Các đơn vị thuộc Sở: Thanh tra, Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Phòng quản lý di sản… phối hợp chặt chẽ với các ngành: Công an, Y tế, Tài nguyên-Môi trường, Thuế, Quản lý thị trường, Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước ở tỉnh và Ban Tổ chức lễ hội… tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra các lễ hội, xử lý kiên quyết, nghiêm khắc các hiện tượng tiêu cực nêu trên và các hành vi vi phạm khác trong lễ hội.

Kiên quyết đưa những hộ kinh doanh trong khu vực I di tích, đổi tiền lẻ, bán đồ mã, kinh doanh trò chơi có thưởng biến tướng thành cờ bạc, treo bán thực phẩm tươi sống, xem bói, ăn xin… ra khỏi khu vực lễ hội.

Yêu cầu tháo dỡ các loại đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, in bằng chữ nước ngoài không phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam trang trí tại các di tích, lễ hội và khu dân cư.

Chỉ đạo Ban Tổ chức các lễ hội có biện pháp tích cực đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và an toàn tuyệt đối cho nhân dân về tham gia lễ hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở du khách có ý thức tự giác chấp hành các quy định của Ban Tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh nơi di tích, lễ hội.

Yêu cầu Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai khẩn trương, nghiêm túc nội dung văn bản này và báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện gửi về Bộ (qua Thanh tra Bộ, Cục Văn hóa cơ sở) để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/5/2014 (báo cáo này làm căn cứ kiểm điểm, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương 6 tháng đầu năm)./.