Ngày 15/8 vừa qua, 5 website âm nhạc gồm Zing, Nhaccuatui, Socbay, Nhac.vui, Nghenhac đã ký kết với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Công ty MV Corp thực hiện đồng loạt thu phí tải nhạc, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/11/2012. Trong khi đó, theo thống kê của công ty MVCorp thì Việt Nam có hơn 150 trang web kinh doanh nhạc số vi phạm bản quyền. Con số 5/150 là quá ít ỏi và việc thu tiền tải nhạc chứ không thu tiền nghe nhạc cũng dễ gây tranh cãi.
PV VOV online trao đổi với nhạc sỹ Quốc Trung về vấn đề này.PV: Theo hình dung của anh, bức tranh thị trường âm nhạc Việt Nam sau ngày 1/11 tới có gì thay đổi so với trước không?

NS Quốc Trung:Tôi không coi đây là một bước đột phá trong việc bảo vệ bản quyền nhạc số tại Việt Nam mà đây là một sự thoả hiệp mập mờ trong việc hợp thức hoá hành động sai trái nhiều năm qua của những trang web đó. Người ta cần làm rõ trắng đen, đúng sai trong việc kinh doanh đó. Nếu sai (có sai thì mới thu tiền) thì tất cả các trang web phải đóng cửa rồi ngồi lại để bàn việc kinh doanh trong tương lai chứ không phải coi việc thu tiền như là ban ơn cho những nhà sản xuất với tâm lý là thu đươc chút nào hay chút đó còn hơn mất không.

Hơn nữa chỉ có một vài trang thu tiền thế còn những trang khác thì sao? Những trang thu tiền sẽ thu được đồng nào hay không khi mà vẫn đầy rẫy những trang cho miễn phí? Thu tiền cho những sản phẩm nào, của ai? Nếu có ai không đồng ý (họ được quyền làm vậy) thì có đảm bảo là nhạc của họ không có trên đó không? Nếu không rõ ràng những việc đó thì lại vẫn như xưa, chẳng có gì thay đổi cả. Có chăng là những kẻ cướp đã trở thành ông chủ đàng hoàng thôi.

ns%20qtrung.jpg
Nhạc sỹ Quốc Trung (ngoài cùng, bên trái) làm giám khảo Vietnam Idol 2012

PV:Vậy theo anh, thực chất của việc thu phí này là gì ?NS Quốc Trung: Đó chỉ là hợp thức hoá, phù phép cho những trang web đó trở nên hợp pháp thôi. Họ thu rất nhiều tiền từ quảng cáo trên những trang nghe nhạc đó và mọi người đều có thể nghe trên đó rồi thì cần gì phải download về máy cho thêm tốn bộ nhớ nữa.

PV: Từ trước tới giờ anh đã được các trang web âm nhạc trả tiền tác quyền nhiều chưa?

NS Quốc Trung: Tôi chưa bao giờ cho phép trang web nào được phép kinh doanh hay chia sẻ nhưng vào trang web nào cũng tìm thấy những sản phẩm âm nhạc của tôi. Họ có thể đã trả tiền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tôi cũng không chắc nữa nhưng tôi khẳng định đó không phải là tiền bản quyền ghi âm và cũng không phải địa bàn thu phí của VCPMC.

PV:Anh và một số nhạc sỹ khác đang vận động mọi người “Nghe có ý thức”. Nhưng có thể có sự mâu thuẫn giữa ý thức của người nghe và túi tiền của họ. Họ biết là nghe nhạc có trả tiền là có ý thức tốt nhưng việc “nghe không ý thức nhưng không tốn tiền” sẽ hấp dẫn họ hơn. Có vẻ việc đánh vào ý thức thôi là chưa đủ?

NS Quốc Trung:Âm nhạc cũng là một sản phẩm đáng được coi trọng như những mặt hàng khác. Việc định giá nó tuỳ thuộc vào nhà sản xuất và nhu cầu của người mua. Họ có thể cho không để quảng bá và tiếp cận khán giả....nhưng phải là họ, những chủ sở hữu mới có quyền quyết định việc đó. Bạn không thể lấy tài sản của ai đó để đi làm từ thiện và tệ hơn là nhân danh việc thiện đó mà làm giàu thì thật là vô lý.Tôi chỉ muốn cộng đồng và người nghe quan tâm và ủng hộ chứ họ không có lỗi. Ngay ở những nước văn minh và có đời sống cao thì người dân vẫn dùng những gì mà họ được cho không thay vì trả tiền nhưng quan trọng là luật pháp của họ có những biện pháp chế tài hiệu quả. Những người du lịch từ châu Âu ngày nay sang Việt Nam không dám mua DVD lậu như trước bởi họ có thể bị phạt rất nặng nếu bị hải quan phát hiện.

PV:Theo anh, lợi ích lớn nhất của những người tham gia sản xuất là gì khi việc thu phí nhạc số được thực thi nghiêm túc?

NS Quốc Trung:Trong bản quyền ghi âm ngoài quyền tác giả còn quyền biểu diễn (ca sỹ, nhạc công...) quyền của người hoà âm và quyền của nhà sản xuất được chia theo tỷ lệ thoả thuận khác nhau. Lợi ích mang lại cho tất cả những người tham gia sản xuất có động lực sáng tạo và điều kiện để tiếp tục lao động nghệ thuật và đưa ra những sản phẩm có chất lượng.PV:Xin cảm ơn anh./.