Trước những lùm xùm trong Triển lãm “Nhiếp ảnh nghệ thuật đồng hành cùng đất nước 30 năm đổi mới” mà VOV.VN đã phản ánh, ngày 20/3, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN) đã có những chia sẻ với phóng viên.
PV:Ông có thể nói gì về những lùm xùm mới đây xung quanhtriển lãm “Nhiếp ảnh nghệ thuật đồng hành cùng đất nước 30 năm đổi mới”?
Ông Vũ Quốc Khánh: Đây không phải là một cuộc thi mà là một cuộc tổng kết nhằm đánh giá lại đóng góp của hội đối với quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam |
Trước những ồn ào này tôi cảm thấy rất buồn. Không phải buồn vì cho cá nhân mà là tôi cảm thấy niềm tin của hội viên đang bị đánh mất.
Bản thân tôi, với tư cách là Chủ tịch Hội NSNAVN, tôi phải có trách nhiệm trong công tác quản lý, định hướng hội viên. Nhưng với tác phẩm của mình, tôi phải có trách nhiệm bảo vệ với tư cách là một nghệ sĩ sáng tạo.
PV: Ông đóng vai trò với nhiều tư cách, vừa là Trưởng BTC, vừa là thành viên Hội đồng giám khảo. Ông có thể lý giải vì sao mình lại kiêm nhiệm nhiều vị trí như thế trong cuộc tổng kết này?
Ông Vũ Quốc Khánh: Chủ trương và thể lệ của BTC là càng những người trong Hội đồng, trong BTC, có vị trí càng cao thì càng nên tham gia. Tôi là chủ tịch cho nên càng phải nêu gương, dẫn đầu. Ngay từ thời điểm phát động, BTC đã gửi đi 1000 thư chuyển phát nhanh đến từng hội viên. Mình phải làm thế để không bỏ sót ai. Hội đánh giá đây là một cuộc thi lớn và dự đoán sẽ có nhiều vấn đề nhạy cảm xảy ra.
Thể lệ cuộc tổng kết khuyến khích những người có vị trí tham gia. Bởi họ là những người giỏi, có tài. Nếu không để họ tham gia thì sẽ rất thiệt thòi. Thể lệ này không thể nói là làm mất tính khách quan được, vì BTC và Hội đồng thẩm định đều có nhiều người.
Bức ảnh "Nụ cười Việt Nam" đoạt giải A chung cuộc. |
PV:Ông nói đây không phải là cuộc thi, tuy nhiên,kết quảcuối cùng vẫn được thông quabỏ phiếubình chọn?
Ông Vũ Quốc Khánh: Giải thưởng không có giá trị cao về tiền mặt. Mỗi một tác phẩm đạt giải đều chỉ được tặng 1 triệu tiền mặt và kỷ niệm chương cùng giấy chứng nhận. Vì số tiền thưởng được công bố ngay từ đầu nên nhiều tác giả đã “xem nhẹ” và không tham gia. Còn ý nghĩa nhất quán mà BTC đưa ra thì đây là một cuộc tổng kết của Hội NSNAVN. Và chỉ có hội viên của hội mới được tham gia.
PV:Tờ giấy chứng nhận trong cuộc tổng kết này có phải có giá trị như một bằng chứng để làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh?
Ông Vũ Quốc Khánh: Đúng vậy, nhưng chỉ là ở cấp Hội đồng chuyên ngành cơ sở.
PV: Có nhiều người cho rằng, việc ông giành 2 giải thưởng tại cuộc tổng kết là nhờ tư cách Chủ tịch Hội và là thành viên Hội đồng thẩm định?
Ông Vũ Quốc Khánh: Tôi hoàn toàn tự tin về giá trị nghệ thuật của hai tác phẩm ấy. Trong cuộc đời và sự nghiệp nhiếp ảnh, tôi chụp hàng vạn tác phẩm, nhưng đây là hai bức ảnh để đời của tôi. Tác phẩm “Nụ cười Việt Nam” là biểu tượng của ngành du lịch VN từ năm 2000 đến năm 2014, được nhiều người biết đến.
Bức ảnh "Mặt trời của mẹ" đoạt giải C |
Còn bức ảnh “Mặt trời của mẹ”, tôi cho rằng, nếu tham gia bất cứ một triển lãm quốc tế nào cũng cầm chắc giải vàng. Tác phẩm này cũng từng đạt giải đặc biệt của triển lãm nhiếp ảnh xuất sắc quốc gia.
PV:Những bức ảnh này, ông đã chụp từ rất lâu và được công bố rộng rãi. Tại sao ông không lấy những tác phẩm mới đi tham dự. Liệu có phải ông đang “ăn mày dĩ vãng”?
Ông Vũ Quốc Khánh: “Nụ cười Việt Nam” được treo triển lãm nhiều nơi, nhiều lần nhưng chưa được vinh danh ở cuộc thi nào. Hơn 7 năm làm Chủ tịch Hội NSNAVN, tôi chưa mang tác phẩm của mình tham gia một cuộc thi nào. Lần này là một ngoại lệ.
Đây là một cuộc tổng kết 30 năm. Tác phẩm của tôi hoàn toàn đủ điều kiện để tham gia. Tôi cũng không ngại vì phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình, trên danh nghĩa là người sáng tạo ra chúng. Một tác phẩm nghệ thuật hay không thể để nằm yên một góc được, mà cần giới thiệu với công chúng, cần nhận được sự vinh danh.
PV:Một tác phẩm cũ được vinh danh ở một sân chơi mới, điều này không tạo nên sự bất ngờ thú vị với những người tham gia, ông có nghĩ thế không?
Ông Vũ Quốc Khánh: Tôi tự tin với tác phẩm của mình. Ngay từ khi gửi tham gia, tôi đã xác định là chúng sẽ đoạt giải và đoạt giải cao. Khi biết tôi đoạt giải A, nhiều ý kiến bàn tán nhưng đến khi công bố giải A đối với tác phẩm “Nụ cười Việt Nam” thì mọi người đều phải công nhận.
Bức ảnh có tên "Cứu" nằm trong chùm tác phẩm đoạt giải. |
Là người quản lý cao nhất của Hội, tôi rất sợ những lùm xùm tương tự như hiện nay. Còn nếu muốn phô bày tác phẩm của mình, tôi sẽ làm các dự án riêng.
Việc tôi tham gia cuộc tổng kết hoàn toàn với mục đích là góp phần làm đa dạng các hoạt động của Hội. Tôi không có ý giật giải của các hội viên nhưng phải công bằng với mọi tác phẩm, và tài năng.
Cuộc tổng kết này dành cho mọi lứa tuổi. Có những tác giả gần 100 tuổi, thuộc thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh gạo cội vẫn tham gia và đoạt giải.
PV:Ông nói gì về việc tác giả Ngô Thị Thu Ba đoạt giải nhưng không nhận được nhiều sự đồng tình?
Ông Vũ Quốc Khánh: Tôi thấy mọi người quá khắt khe. Thu Ba có sự sáng tạo riêng, là yếu tố mới lạ của cuộc tổng kết nói riêng và nền nhiếp ảnh Việt Nam hiện đại nói riêng.
Cuộc thi Nhiếp ảnh Việt Nam vừa kết thúc đã dính lùm xùm
Cần phải hiểu một điều, tiêu chí cuộc tổng kết không hướng đến giá trị nghệ thuật cao mà hướng đến những tác phẩm mang tính thời sự bền vững, có giá trị cao về nội dung tư tưởng, phản ánh mọi hoạt động của đời sống xã hội. Dĩ nhiên tác phẩm vẫn phải đáp ứng về chất lượng, nghệ thuật và hình thức thể hiện. Nhưng ở đây không có chỗ dành cho ảnh nude nghệ thuật hay ảnh khỏa thân nghệ thuật với những kỹ xảo xử lý tinh vi.
PV: Để xảy ra những lùm xùm như vậy có phải vì sân chơi dành cho giới nhiếp ảnh Việt Nam vẫn còn ít, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Khánh Tôi không nghĩ vậy. Giới nhiếp ảnh Việt Nam có rất nhiều sân chơi. Nhưng chụp ảnh thì dễ mà có được tác phẩm để đời thì rất khó.
Nhiếp ảnh gia Việt Nam hiện đang rất đông, rất nhiều người giỏi nhưng cũng có nhiều người cay cú với các giải thưởng. Tôi cho rằng như thế là không chuyên nghiệp. Đã đồng ý cuộc chơi thì phải tuân thủ thôi.
Tôi chỉ nói rằng, trách nhiệm của người quản lý là giữ uy tín cho hội. Trách nhiệm của người nghệ sĩ là giữ uy tín cho tác phẩm.
PV:Xin cảm ơn ông./.