Đó không phải là một sự kêu ca không có lý, bởi lẽ không có thứ ngôn ngữ nào có sức lan toản rộng khắp, có sự lay động bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình, được cất lên từ một người con nước Việt.
Chẳng thế mà huấn luyện viên Hiền Thục đã hai lần rơi nước mắt trước hai ca khúc thuần Việt được thể hiện bởi các thí sinh nhí.
Rõ ràng, việc hát nhạc nước ngoài có phần tạo ra chút ít rào cản về mặt tiếp nhận cho người xem truyền hình khi mức độ phủ sóng của loại hình báo chí này lan ra cả những vùng mà ngoại ngữ vẫn là một thứ xa xỉ.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra sự xuất hiện của nhiều bài hát tiếng nước ngoài trong một chương trình đã Việt hóa có sự “đóng góp” bởi sự khan hiếm các bài hát dành cho thiếu nhi ở thời điểm hiện nay.
Trẻ em càng ngày càng hát nhiều bài hát nước ngoài, thay vì những bài hát Việt Nam |
Nói về điều này, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phân trần trên báo Tiền phong: “Ban tổ chức nhận được hàng trăm bài nhưng toàn cho lứa tuổi cỡ mẫu giáo. Nói gì thì nói nhạc bây giờ cũng phải cập nhật một chút. Trẻ con bây giờ có nghe nhạc Việt Nam đâu! Phải đến 70 - 80% thí sinh chỉ thích nhạc nước ngoài. Tầm 12-13 tuổi nếu không nghe nhạc nước ngoài thì lại phải nghe nhạc người lớn Việt Nam, mà đâu có nhiều bài”.
Điểm qua danh sách những bài hát thiếu nhi hay nhất vẫn là những cái tên khá cũ như: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh, Em là hoa hồng nhỏ, Đưa cơm cho mẹ đi cày, Bàn tay mẹ, Bác Hồ - người cho em tất cả... Phần đa số những bài hát đó đều có tuổi thọ nhiều gấp nhiều lần tuổi đời hiện tại của các em.
Bài hát dành cho thiếu nhi thường là những bài có lời khá ngắn, lặp lại nhiều lần... điều này khá có hiệu quả giúp cho trẻ em có thể nhớ lời bài hát nhanh, thậm chí có thể thuộc lời bài hát trước khi biết đọc biết viết.
Cùng với sự “trường tồn” của các bài hát thiếu nhi có “thâm niên” như thế, người nghe cũng biết nhiều hơn đến giọng ca của bé Xuân Mai.
Những bài hát của "bé" Xuân Mai cho đến giờ vẫn được nhiều trẻ em yêu thích |
Mặc dù Xuân Mai giờ đã qua cái tuổi được gọi là "bé" mà đã trở thành một thiếu nữ chẳng bé tí nào. Gần đây, Xuân Mai thường được truyền thông để ý tới không phải bởi những lần lên sân khấu hát nhạc thiếu nhi mà bởi những bức ảnh tình tứ với bạn trai.
Không lâu nữa đâu, Xuân Mai có thể là mẹ của một thế hệ trẻ em nữa mà cô chính là "mẹ" của trẻ em ấy, nhưng ngoài quầy đĩa người ta cũng không khó để tìm thấy một đĩa CD tập hợp các bài hát của Xuân Mai thủa còn rất bé và đương nhiên Xuân Mai cũng sẽ hát những bài thiếu nhi có bài mà số tuổi của nó lớn hơn tuổi mình.
Nhìn lại một lượt, thế kỷ 21 của chúng ta khó tìm ra một bài hát dành cho trẻ em nào được nhiều trẻ em thuộc, thay vào đó là những bài hát có sự giao thoa một chút ở trẻ em, một chút của tuổi dậy thì và đôi khi có thêm tí của người lớn.
Đòi hỏi trẻ em hát những bài hát của đất nước mình là một đòi hỏi chính đáng, tuy nhiên trước khi đòi hỏi ở trẻ em điều đó chúng ta phải tạo lập cho trẻ em một nền tảng ca khúc đáp ứng đủ nhu cầu này.
Chừng nào bài hát thuần Việt vẫn chưa tạo ra được sức hút để lôi kéo trẻ em về với chính ngôn ngữ cha ông mình thì chừng ấy người lớn và đặc biệt là những người sáng tác ca khúc vẫn nên cật vấn chính mình./.