Là một trong số ít những nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài theo đuổi dòng âm nhạc truyền thống, nghệ sĩ Hương Thanh được người yêu nhạc coi là sứ giả nhạc cổ và dân ca Việt Nam tại Châu Âu. Với những đóng góp của mình, chị được Đài phát thanh France Musique – Pháp trao tặng giải thưởng World Music. Tuy vậy, con đường giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ra nước ngoài của chị chưa dừng lại ở đó. Phóng viên VOV phỏng vấn nghệ sĩ Hương Thanh về những dự định của chị trong thời gian tới. 

1_lyja.jpg
Nghệ sĩ Hương Thanh cùng nghệ sĩ người Anh Jason Carter thể hiện những làn điệu âm nhạc truyền thống Việt Nam kết hợp với ghi ta
PV:Thưa nghệ sĩ Hương Thanh, chị đã có một thời gian dài giới thiệu những loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam  nước ngoài. Vậy thì kinh nghiệm của chị trong công việc này là  thế nào?

NS Hương Thanh: Nếu muốn cho người nghe thích nhạc cổ của mình thì phải có một nhạc cụ nào đó quen thuộc với người ta. Nếu Hương Thanh hát ru (ầu ơ) với đàn bầu thì những người chưa bao giờ nghe nhạc Việt Nam sẽ khó nghe. Nhưng nếu có piano thì người ta chú ý, "à tiếng piano dễ nghe quá". Rồi sau đó tiếng ầu ơ đi vào cùng một tông mà vẫn giữ được câu ầu ơ với dấu huyền, dấu sắc, dấu hỏi. Tất cả những loại hình âm nhạc nào muốn vào không gian nhạc mới đều phải có gì đó của đất nước mà nó muốn tới để dìu dắt thính giả nghe theo.

Nhờ điều đó Hương Thanh mới thấy rằng: khi làm việc trong một nhóm nhạc cổ điển (classic) thì mình cũng phải học cách làm như thế. Tôi vẫn giữ dòng nhạc dân ca thuần túy, từ đó người soạn giỏi hợp lại với mình. Còn nếu mình bị ảnh hưởng bởi người ta thì mình sẽ hát như là hát dịch.

PV: Không chỉ với "Tiếng trúc tiếng tơ", nghệ sĩ Hương Thanh còn có rất nhiều dự án kết hợp quảng bá âm nhạc, đặc biệt là sự kết hợp với nghệ sĩ nhạc jazz Nguyên Lê và nhóm Cầm kì thi họa (Camkitiwa)với các nữ nghệ sĩ Châu Á. Mục đích của sự kết hợp này là gì?

NS Hương Thanh: Tôi phải tạo tên tuổi nghệ thuật trước nếu muốn cho mọi người thấy Hương Thanh thích nhạc dân tộc. Nhiều người nói Hương Thanh là sứ giả âm nhạc, tôi mắc cỡ lắm, như vậy là không đúng, không đủ. Nếu muốn như vậy thì Nhà nước phải có sự đầu tư, hỗ trợ, giao nhiệm vụ để tôi làm đàng hoàng hơn nữa. Tôi nghĩ mình phải cố gắng, tìm mọi cách để làm. Cũng có nhiều người giúp Hương Thanh về tài chính thì tại sao lại không làm.

Nghệ sĩ Hương Thanh trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam

PV: Sau thành công của chương trình giới thiệu nhạc dân tộc "Tiếng trúc tiếng tơ" tại bảo tàng Guimet (Pháp), chị còn có những dự định nào khác?

NS Hương Thanh: Âm hưởng của "Tiếng trúc tiếng tơ" vẫn còn, nhưng tôi phải sáng tác một câu chuyện khác nữa, mới và lạ. Mới lạ không phải là làm nhạc mới mà phải tìm trong nhạc cổ này còn cái gì nữa. Đó là điều khó khăn nhất với một nghệ sĩ ở nước ngoài như Hương Thanh. Đối với Hương Thanh, "Tiếng trúc tiếng tơ" chỉ là một đề tài nhưng nhạc cổ vẫn còn đẹp cho Paris, cho nước ngoài. Nguyện vọng của Hương Thanh nghĩ là lúc nào cũng sẽ tìm tòi để vẫn còn xẩm, ca trù, chầu văn, còn dân ca miền Nam sẽ tới nữa với nước ngoài.

Hương Thanh mơ ước trong năm nay sẽ tìm được một nghệ nhân miền Trung, vì tôi rất thích nhạc cổ, và thứ nữa là làm về Tuồng, Chèo, Cải lương, nhập lại trong một chương trình thời lượng một tiếng rưỡi. Nhưng đó là chuyện của tương lai, chắc phải 2 năm nữa. 

PV: Chị đã tìm thấy điều gì khi một mình hát dân ca 3 miền, rồi quảng bá âm nhạc của người Việt ra nước ngoài?

NS Hương Thanh: Đối với Hương Thanh điều đó lạ lắm. Nhớ quê hương! Hương Thanh rời Việt Nam hồi 16 tuổi. Nhớ miền Nam tôi hát Lý Con Sáo, ra miền Bắc thì tôi phải hát Quan họ. Điều đó là để tự an ủi, nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của mình.

PV: Xin cảm ơn nghệ sĩ Hương Thanh!./.