Ông Đỗ Thanh Xuân - Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh Nam Định chia sẻ rằng Nam Định đã tập trung những điều kiện tốt nhất để phục vụ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I.

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết đôi nét về giá trị văn hóa của Thiên Trường - Nam Định?

Ông Đỗ Thanh Xuân: Có thể nói lịch sử chặng đường 750 năm Thiên Trường, Nam Định gần như trùng khớp với lịch sử dân tộc, là hoạt động văn hóa, kinh tế, chính trị rất lớn. Lịch sử của hoạt động này được diễn ra thông qua hai mốc quan trọng: mốc vua triều Trần năm 1262 và mốc thời đại Hồ Chí Minh năm 1945 xuyên suốt chiều dài lịch sử đến năm 2012.

Nhân lễ kỷ niệm này, thành phố Nam Định vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý Huân chương Hồ Chí Minh của Đảng và Nhà nước. Cũng nhân dịp này, Nam Định nhận quyết định công nhận là đô thị loại I của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói đây là niềm tự hào rất lớn của Đảng và nhân dân tỉnh Nam Định. 

xuan.jpg
Ông Đỗ Thanh Xuân- giám đốc Sở Văn hóa- Thể Thao- Du lịch Nam Định

PV: Vậy chương trình kỷ niệm 750 năm thành lập Thiên trường có ý nghĩa như thế nào đối với cả nước nói chung và Nam Định nói riêng, thưa ông?

Ông Đỗ Thanh Xuân: Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường có rất nhiều ý nghĩa nhưng hơn hết, chúng tôi chú ý đến 3 ý nghĩa quan trọng.

Đầu tiên, hoạt động kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định là hoạt động nhằm tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc và cũng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của các bậc tiền bối từ thời nhà Trần. Lễ kỷ niệm còn tiếp tục tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa và cách mạng của tỉnh; cổ vũ, động viên Đảng bộ, quân, dân toàn tỉnh phát huy truyền thống, chung sức chung lòng, phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Đây cũng là dịp Nam Định quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh giá trị văn hóa đặc trưng với bạn bè trong và ngoài nước, thu hút đầu tư, phát triển.

Ngoài ra, Nam Định đang lên kế hoạch cùng Nhà nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và thực hiện thắng lợi của Nghị quyết Đảng bộ lần thứ 18, quyết tâm đưa Nam Định cùng cả nước phấn đấu trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng cùng quốc gia vào năm 2020 và tầm nhìn 2030. Đây cũng là lễ kỷ niệm nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc đối với các thế hệ con cháu để phấn đấu đưa Nam Định trở thành tỉnh văn minh, giàu đẹp, công bằng và dân chủ.

Phủ Thiên Trường- nơi thờ 14 đời vua nhà Trần

Hơn 1 tuần nữa, lễ kỷ niệm sẽ được diễn ra, các tiểu ban đang chuẩn bị rất chu đáo, công tác tuyên truyền đã được làm rất tốt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua website của UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định, Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định và các đài báo địa phương, cho nên hầu hết mọi người trong và ngoài nước đều biết đến lễ kỷ niệm này.

Có thể nói việc chỉnh trang đô thị thành phố cùng với việc tuyên truyền đã giúp cho Nam Định có một diện mạo mới. Nam Định hiện nay đã có một bước khởi sắc đáng mừng về cảnh quan đô thị, đặc biệt là xanh- sạch- đẹp, ý thức môi trường, ý thức cộng đồng đã được nâng lên rõ rệt.

Chùa Phổ Minh- Phủ Thiên Trường, Nam Định

PV: Lễ kỷ niệm 750 năm thành lập Thiên trường Nam Định sẽ diễn ra với quy mô như thế nào thưa ông?

Ông Đỗ Thanh Xuân: Rất nhiều các hoạt động sẽ được diễn ra từ nay đến ngày Đại lễ. Sáng 25/9, Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Nam Định sẽ diễn ra tại công viên Vị Xuyên; tối 25/9, hội chợ Làng nghề và Thương mại- Du lịch Nam Định với rất nhiều mặt hàng như ẩm thực, vui chơi giải trí, thời trang.

Sáng 29/9, 14 nước đến từ Đông Nam Á kết hợp với Bộ VHTT & DL, trung tâm bảo tồn tín ngưỡng dưới sự chủ trì của ông Ngô Đức Thịnh sẽ tổ chức buổi hội thảo văn hóa thờ Nữ thần ở Việt Nam và Châu Á - bản sắc và giá trị. Có thể nói, Nam Định chính là quê hương của thờ Mẫu và hát văn. Vừa qua chúng tôi đã làm hồ sơ di sản phi vật thể về hát văn cũng đã được Bộ đồng tình và ủng hộ. Một vài năm tới, chúng tôi sẽ nâng cấp hát văn của tỉnh Nam Định thành văn hóa phi vật thể trình UNESCO.

Sang ngày 30/9, triển lãm trưng bày cổ vật tại bảo tàng Nam Định sẽ được diễn ra. Tại đây, chúng tôi trưng bày 20.000 tài liệu và cổ vật, có những cổ vật rất giá trị mà nhiều bảo tàng khác không có. Có thể nói đây là bảo tàng sau Hà Nội vì Nam Định cũng là di tích được bảo tồn từ thời Lý, Trần cho đến nay.  

Nội dung cụ thể ngày Đại lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường sẽ bao gồm 3 phần. Phần mở đầu với chủ đề “Vành nôi Tức Mặc- Thiên Trường- Thời đại Đông A- Tinh hoa và hành trình mở đất” với nhiều nội dung như đánh trống khai hội, xếp chữ, xếp hình cờ Trần, biểu diễn đại hợp xướng trình bày chương I “Kinh đô thứ hai chào đời”, trình diễn múa Bài Bông.

Phần thứ hai với chủ đề “Thiên Trường- Nam Định- Thời đại Hồ Chí Minh- Đánh giặc cứu nước” với hai nội dung chính. Trong đó, nội dung thứ nhất thể hiện “Thiên Trường- Nam Định- đêm trước thời đại Hồ Chí Minh”; nội dung thứ hai với chủ đề “Quê hương rực ánh sao vàng Thời đại Hồ Chí Minh”.

Phần thứ ba với chủ đề “Bài ca Thiên Trường- Nam Định đổi mới và khát vọng” với các nội dung trình diễn trống hội “Khát vọng Thành Nam” làm nền cho chương Chương III của đại hợp xướng mang tên “Bài ca Thiên Trường- Nam Định”.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định sẽ khép lại với màn bắn pháo hoa tại 7 điểm: Công viên Vị Xuyên, Siêu thị Big C, Ngã tư đường 490C và đường Lê Đức Thọ, cầu Lạc Quần, cầu phao Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long và thị trấn Gôi.

PV: Xin cảm ơn ông./.