Những người đẹp Nga và Tâm hồn dân tộc

Đó là tên triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Triển lãm "Những người đẹp Nga và Tâm hồn dân tộc" giới thiệu gần 200 hiện vật, trong đó đáng chú ý nhất là bộ ảnh về phụ nữ Nga với các bộ trang phục ở trên khắp đất nước Nga từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, các bộ trang phục được làm cầu kỳ, phối màu hài hoà.

img_2256.jpg
Một bức ảnh phụ nữ Nga trưng bày tại triển lãm

Ông Vladimir Grusman - Giám đốc Bảo tàng dân tộc Nga, thành phố Saint Petersburg cho biết: 45 bức ảnh về phụ nữ Nga trưng bày tại triển lãm là bộ sưu tập của Bảo tàng dân tộc học Nga. Qua những bức ảnh này thể hiện người phụ nữ trên nét mặt và trang phục của phụ nữ Nga khắp các vùng miền trên đất nước Nga. Vẻ đẹp trên nét mặt và trang phục hoà quyện, tạo nên vẻ đẹp tuyệt vời của người phụ nữ Nga.

Đặc điểm chung của trang phục phụ nữ Nga là nhiều lớp. Bên ngoài chiếc áo sơ mi tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung người ta mặc áp xa-ra-phan, ở miền Nam nước Nga - trang phục có dây thắt lưng từ vải len, ca rô, làm tại nhà. Yếu tố bắt buộc của trang phục là một chiếc thắt lưng và thường là tạp dề và áp trên ngực. Mẫu cắt và vải của tất cả các thành phần phụ thuộc vào truyền thống địa phương. Trang phục lễ hội và nghi lễ được bổ sung bởi rất nhiều đồ trang sức.

Trang phục của phụ nữ Nga

Sự phong phú của các chi tiết quần áo làm cho thân hình người phụ nữ thêm lộng lẫy và căn đối, đáp ứng những quan niệm của dân gian Nga về vẻ đẹp và sự hoàn hảo của người phụ nữ.

Tại đây còn trưng bày các bộ sưu tập về đồ thêu, đồ gỗ mỹ nghệ, các con rối và đặc biệt là búpbê Matrioshka... Đây là các sản phẩm thể hiện sự công phu, tinh tế của các nghề thủ công truyền thống lâu đời ở Nga.

Triển lãm "Những người đẹp Nga và Tâm hồn dân tộc" lần này cùng với thành công của Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam năm 2013, góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian tới.

Triển lãm cũng là cơ hội để khán giả được tiếp cận với những giá trị văn hóa từ nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của người dân Nga, hiểu sâu hơn về sự sáng tạo nghệ thuật cũng như đời sống tinh thần của nhân dân Nga.

Nikolai Roerich, liên kết các dân tộc

Đây là triển lãm đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu với công chúng yêu mỹ thuật về một trong những nghệ sĩ Nga nổi bật và độc đáo nhất của thế kỷ 20 - họa sĩ Nikolai Konstantinovich Roerich (1874-1947).

Tại lễ khai mạc, bà Anna Kovalets - Phó Giám đốc Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật các dân tộc Phương Đông, Liên bang Nga nêu rõ: Tên tuổi của họa sĩ Nikolai Konstantinovich Roerich giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa Nga và thế giới trong thế kỷ 20. Các lĩnh vực hoạt động của ông rất rộng: một họa sĩ, nhà khảo cổ học, nhà dân tộc học, luật sư, nhà địa lý học, nhà thơ, nhà sử học, triết gia, nhà khoa học, người lữ hành, người đấu tranh cho hòa bình, người bảo vệ những giá trị văn hóa của mọi quốc gia, của Nhân loại, người đã cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng chung.

Tác phẩm "Cây cỏ ngọt lành", sáng tác năm 1941

Ông là nhà du hành và nha hoạt động thiên tài, là tác giả của hơn 7.000 bức tranh hiện đang được lưu giữ trong các bảo tàng trên toàn thế giới và là tác giả của hơn 30 tác phẩm văn học, trong đó có các tuyển tập thơ.

Cũng theo bà Anna Kovalets, triển lãm "Nikolai Roerich, liên kết các dân tộc" trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN lần này giới thiệu bản sao các tranh hội họa và đồ họa của Nicolai Roerich từ sưu tập của Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật các dân tộc phương Đông, Matxcova, một trong những bảo tàng lớn nhất và được coi là một trong những bộ sưu tập tốt nhất, toàn diện nhất về các tác phẩm của nghệ sĩ ở Nga và trên thế giới.

Các bức tranh trong triển lãm phản ánh đầy đủ sự sáng tạo phong phú của nghệ sĩ trong tất cả các giai đoạn với phong cách và chủ đề đa dạng, theo hai nhóm. Nhóm thứ nhất về văn hoá Nga, đặc biệt là loạt tác phẩm về kiến trúc Nga được vẽ thời trong thời kỳ đầu trong những chuyến thám hiểm qua 40 thành phố Nga cổ, mô tả hình dáng kiến trúc của các công trình, nhà thờ và đền thờ độc đáo. Nhóm thứ hai - "Giai đoạn Ấn Độ" (gồm loạt tác phẩm về Himalayas) - là giai đoạn trưởng thành trong sáng tạo nghệ thuật của hoạ sĩ Nicolai Roerich, được ông sáng tác trong cuộc thám hiểm Trung Á qua Ấn Độ, Mông Cổ và Tây Tạng.

Ông Gendany.S.Bezdetko phát biểu khai mạc triển lãm

Phát biểu tại lễ khai mạc hai triển lãm này, ông Gendany.S.Bezdetko - Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, đều nhấn mạnh, các triển lãm sẽ mang đến cho công chúng yêu mến nền văn hóa của xứ sở bạch dương một cơ hội thưởng thức và hiểu biết hơn về nền văn hoá, nghệ thuật đặc sắc Nga và cuộc sống sinh động của người dân Nga.

Hai triển lãm về văn hoá Nga khai mạc trong ngày 11/11 (và cùng kết thúc vào ngày 17/11) là các hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam(7-17/11) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Liên bang Nga phối hợp tổ chức tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương./.