Thông báo cho biết, cùng ngày, tại Hà Nội, theo sự uỷ nhiệm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành phiên họp xem xét, thông qua Giải thưởng văn học năm 2012. Tham dự phiên họp có Trưởng Ban Kiểm tra của Hội.
Sau khi nghe báo cáo của các chủ tịch Hội đồng Sơ khảo và Chủ tịch Hội đồng Chung khảo, Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam nhất trí như sau:
Việc xét giải thưởng văn học năm 2012 của Hội đã được tiến hành theo đúng Quy chế giải thưởng; từ khâu nhận tác phẩm đăng ký dự giải đến quá trình xét của Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo đã thực hiện đúng quy trình, thể thức và tiến độ quy định.
Các tác phẩm dự giải năm 2012 là tác phẩm của các tác giả, dịch giả xuất bản từ 01/11/2011 đến ngày 31/10/2012, thực hiện đúng quy định của Quy chế giải thưởng. Từ 217 tác phẩm tham dự, qua Sơ khảo đã chọn được 15 tác phẩm vào Chung khảo.
Quá trình xét giải từ cấp Sơ khảo đến cấp Chung khảo được tiến hành công khai, dân chủ, tôn trọng mọi ý kiến khác nhau và quyết định bằng phiếu bầu. Các tác giả có tác phẩm dự giải không tham gia Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo. Kết quả làm việc các bước đều có biên bản đầy đủ, báo cáo Ban chấp hành.
Văn bản thông báo của Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam |
Quy chế giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam quy định: các tác giả là hội viên của Hội và chưa phải hội viên đều có quyền tham dự. Việc các uỷ viên Ban chấp hành tham dự giải là quyền và trách nhiệm của một hội viên, hoàn toàn không có cái gọi là "lợi ích nhóm". Trong các nhiệm kỳ trước đã có nhiều nhà văn nổi tiếng trong BCH đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Mùa giải 2011, bắt đầu thực hiện theo Quy chế mới, nên năm 2011 phải xét cả hai năm 2010 và năm 2011. Do đó, để bảo đảm chính xác, Ban Chung Khảo bỏ phiếu hai lần, mỗi lần cho một năm.
Trong mùa giải năm 2012, các thành viên Sơ khảo đến Chung khảo đều đọc kỹ tác phẩm, có chính kiến và bỏ phiếu bầu hợp lệ. Hoàn toàn không có cái gọi là "phiếu trắng".
Theo Quy chế, giải thưởng của Hội gồm có Giải thưởng và Bằng khen của BCH Hội Nhà văn Việt Nam.
Hội nghị đánh giá cao kết quả làm việc của Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo và quyết định tặng Giải thưởng văn học năm 2012 của Hội Nhà văn Việt Nam gồm 5 giải chính thức và 04 Bằng khen của BCH Hội Nhà văn Việt Nam.
Ban Thường vụ giao cho Ban Sáng tác tổ chức thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức lễ trao giải vào dịp đón xuân Quý Tỵ 2013.
Bìa tiểu thuyết "Thế kỷ bị mất" của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam |
Như vậy, đây là phản hồi chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam sau khi có những thông tin gây xôn xao dư luận những ngày qua khi nhà văn Y Ban, tác giả của cuốn tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, tác giả của Thế kỷ bị mất đã đồng loạt gửi thư ngỏ từ chối bằng khen của Hội dành cho tác phẩm của mình.
Trong lá thư ngỏ được đăng tải trên mạng ngày 18/1, nhà văn Y Ban bức xúc cho rằng những người cầm cân nảy mực “thiếu tâm và thiếu tầm”, còn nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam thì đưa ra lý do từ chối là "giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương".
Trả lời phóng viên về vấn đề này, nhà văn Đình Kính, thành viên ban chung khảo kiêm người phát ngôn của Hội Nhà văn VN về giải thưởng cho biết: “Việc trao giải thưởng là quyền của Hội và ban chấp hành. Việc nhà văn Y Ban hay Phạm Ngọc Cảnh Nam rút khỏi giải thưởng cũng là quyền của mỗi người. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ai đó từ chối nhận giải thưởng. Không chỉ trong nước mà các giải thưởng quốc tế từ trước đến nay vẫn có người từ chối”./.
Danh sách Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012:
1. Văn xuôi:
- Tập truyện ngắn Thành phố đi vắng của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
2. Thơ:
- Tập Trường ca Chân đất của nhà thơ Thanh Thảo
- Tập thơ Giờ thứ 25 của nhà thơ Phạm Đương
- Tập thơ Màu tự do của đất của nhà thơ Trần Quang Quý
3. Lý luận phê bình:
- Tập tiểu luận, phê bình văn học Đa cực và điểm đến của nhà văn Văn Chinh
II. Tặng BẰNG KHEN của BCH Hội Nhà văn Việt Nam:
1. Văn xuôi:
- Tiểu thuyết Trò chơi huỷ diệt cảm xúc của nhà văn Y Ban
- Tiểu thuyết Thế kỷ bị mất của tác giả Phạm Ngọc Cảnh Nam
2. Thơ:
- Tập thơ Hoa hoàng đàn nở muộn của nhà thơ Khuất Bình Nguyên
- Tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng.