Nếu phân chia theo từng cuộc kháng chiến mà Đài Tiếng nói Việt Nam đã tham gia, có thể coi nhà báo Vĩnh Trà (tên thật: Trần Đức Nuôi) thuộc thế hệ thứ hai. Ông có may mắn được tiếp xúc, làm việc nhiều với “thế hệ chống Pháp”, và là người phụ trách, một người anh trầm tĩnh cho những thế hệ tiếp sau 30/4/1975 của Đài.  Nhưng hồi ký “Hai lần mở mắt” (NXB Hội Nhà văn tháng 9/2016) của Vĩnh Trà không kể về họ. Ông kể về cuộc đời ông, và qua những trang hồi ức, nhiều bức tranh lịch sử của vùng đất Vĩnh Linh quê ông, về khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đài phát thanh Giải phóng A (CP 90), Đài Tiếng nói Việt Nam, chân dung những người cùng thời với ông được khắc hoạ.

img_7117_pzot.jpg

Vĩnh Trà sinh năm Bính Tuất (1946) ở làng Thượng Lập, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị. Cha tham gia kháng chiến chống Pháp và mất sớm. Mẹ “đi bước nữa”, cậu bé tên Nuôi ấy được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của cả gia đình bên nội bên ngoại, và xóm làng. Trong xấp xỉ 400 trang sách, những trang viết về thủa ấu thơ đến khi hết cấp III đi bộ từ Vĩnh Linh ra Hà Nội học đại học, chỉ xấp xỉ 90 trang, không nhiều nhưng theo tôi, là những trang viết có sức nặng, sinh động, hấp dẫn, mô tả một làng quê với những phong cảnh, tập tục rất riêng, được viết bằng ngôn ngữ địa phương rất duyên, trải qua những ngày tháng đầu tiên sau Cách mạng tháng 8/1945, chống Pháp, rồi chớm bước vào cuộc chống Mỹ.

Là người đọc, tôi cứ tiếc mãi vì nó ngắn quá. Trong khi nhiều thế hệ người đọc mong tác giả tái hiện được “không khí” của giai đoạn ấy, để qua đó hiểu thêm về lịch sử - con người và thời cuộc lúc ấy, làm tài liệu lâu dài cho các nhà văn, nhà thơ thế hệ 8x- 9x- thậm chí 200X nghiên cứu, quy chiếu, sáng tác. Không thể kể hết những chi tiết, những cảnh đời, cảnh người trong gần 90 trang sách này. Tôi muốn dành sự “nhấm nháp” một món ăn ngon và bổ ích cho bạn đọc.

Tôi có may mắn được “đồng khoa” với chàng sinh viên Trần Đức Nuôi. Khi tôi vào năm thứ nhất Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp, thì anh học năm thứ tư. Tôi không phải học nơi sơ tán Tràng Dương (Thái Nguyên), nhưng nghe nhiều giai thoại về sinh viên khoa Văn ở Tràng Dương. Đọc hồi ký của anh, thấy thêm tự hào về cả một thế hệ sinh viên thời chống Mỹ. Xin kể ra đây một chuyện có thật, mà GS.TS Ngôn ngữ học Đinh Văn Đức kể: Một đêm đã khuya, chừng 1 giờ sáng, ở Tràng Dương, GS Nguyễn Tài Cẩn đi họp Khoa về… ngang qua bụi cây ven suối, có tiếng sột soạt…Ông soi đuốc lại gần, một cái đầu thò ra  “em chào Thầy”… “Khuya thế em còn làm gì ở đây”… “Thưa thầy mai thi… em kiếm con cá về bồi dưỡng”.

Khoảng 3 khoá sinh viên khoa Ngữ Văn đi B từ Tràng Dương. Sinh viên Trần Đức Nuôi thì đi B từ La Khê (Hà Đông) nơi khoa Ngữ Văn tạm trú vài tháng khi từ Thái Nguyên  về Hà Nội. Anh được phân về Đài phát thanh Giải Phóng A (CP 90).

Tháng 8/1974, theo gương các anh chị, tôi cũng tình nguyện về Đài phát thanh Giải Phóng. Dịp này, nhà báo Vĩnh Trà (bút danh chính thức khi đi B của anh Trần Đức Nuôi) cũng vừa được điều từ chiến trường Trị Thiên - Huế ra Hà Nội. Chúng tôi ngưỡng mộ nhìn anh trong bộ bà ba, lúi húi chuyển trích số tiếng động anh thu ở chiến trường ra để dùng, thầm nghĩ “rồi cũng đến lượt mình”. Những trang hồi ký về giai đoạn đi chiến trường nhà báo Vĩnh Trà cũng chỉ kể về những điều “tốt đẹp”, khó khăn gian khổ cũng “vừa vừa”. Kể cả những tâm sự về tình yêu, gia đình, vợ con… ông cũng viết “vừa phải” mặc dù tình yêu của ông với Thanh Trà, bạn cùng lớp Đại học cũng là một thiên tình sử đáng ghi nhận với nhiều “giai thoại” mà lứa chúng tôi được nghe.

Mặc dù mang tên “Hai lần mở mắt” nhưng hồi ký của Vĩnh Trà về giai đoạn sau 30/4/1975 của Đài Tiếng nói Việt Nam là những trang đằm thắm, không một lời oán thán về cảnh khổ, không một lời kêu ca về công việc. Mặc dù ai cũng biết có thời, “người nhà Đài” sống vất vả, khổ sở như thế nào. Chuyện vợ chồng mới cưới đêm tân hôn không có nhà, lấy nhau cả năm vẫn chồng vợ đôi nơi… là “chuyện thường ngày” ở 58 Quán Sứ. Nhưng công việc vẫn chạy, sóng nhà Đài vẫn tiếp tục vươn xa. Trong giai đoạn này, Vĩnh Trà lại chia tay vợ con lên vùng đông bắc Quảng Ninh công tác, bắt đầu từ anh đài truyền thanh huyện… Cũng lại là những trang hồi ức sinh động.

Những năm đất nước Đổi mới, Đài đổi mới, nhà báo Vĩnh Trà lần lượt được giao những trọng trách mới: Trưởng ban Ban Thư ký Biên tập, Trưởng ban Ban Kinh tế… Rồi khi về hưu, trở thành “người viết sử nhà Đài”. Nhiều cuốn sách mang tên ông ra đời, trở thành những tài liệu quý về “một thời Đài Tiếng nói Việt Nam”. Và bây giờ, cuốn hồi ký “Hai lần mở mắt” ra đời.

Gặp tôi, ông nói: “Người ta có hai lần mở mắt: một lần chào đời, và một lần tìm ra sự thật”… Giờ ông ở một làng xưa của Hà Nội: Hoàng Mai. Tôi xui ông: “Giữa sân, anh cho xếp một hàng gạch hình bán nguyệt, kiếm một tấm đan bê tông để lên, làm thành cái bàn, vừa làm bàn viết, vừa là nơi tiếp bạn bè, như cái bàn gạch ngày xưa anh xếp để ngồi viết trong ngôi buồng nhỏ ở 128 C Đại La”… Nhà báoVĩnh Trà cười ngất: “Đời nào cũng thế thôi, hai lần mở mắt và một lần nhắm mắt và trong cuộc sống không sao tránh khỏi xung đột thế hệ, bắt đầu từ quan niệm sống, cách sống. Và ở đâu, thời nào cũng vậy, mỗi thế hệ tìm cho mình nơi neo đậu cuối cùng. Nơi đóng đinh cho hiện tại, để con cháu điền tĩnh ngó trước, nhìn sau…” (Hai lần mở mắt- trang 397).

Tôi tin là với “Hai lần mở mắt”, xung đột thế hệ sẽ bớt đi./.